Trung tâm Dạy nghề Mù Cang Chải: Nơi đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:43 AM 18/01/2011 |   Lượt xem: 2489 |   In bài viết | 
Các học viên được đào tạo các nghề về chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, sửa chữa xe máy, may dân dụng, chế biến gỗ, gò hàn…

Trong 2 năm 2009 - 2010, Trung tâm đã mở 27 lớp cho 742 học viên, trong đó có trên 500 học viên là người dân tộc Mông. Sau khi được đào tạo, các học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản về ngành nghề mình được đào tạo và áp dụng có hiệu quả vào phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Chị Giàng Thị Dở ở xã La Pán Tẩn tham gia lớp học nghề may do Trung tâm Dạy nghề huyện mở ngay tại xã cho biết: “Tham gia lớp học nghề này, tôi đã được tiếp cận với kỹ thuật cắt, là và máy may công nghiệp để may quần áo. Trước đây, tôi chỉ quen với việc may vá thủ công, đường khâu thường không đều và không thẳng. Bây giờ, may bằng máy thì khác rồi, đường may thẳng và nhanh hơn rất nhiều, tôi có thêm thời gian để làm việc nhà”.

Anh Thào A Sử ở xã Púng Luông cho biết: “Trong thời gian 45 ngày, được các giáo viên hướng dẫn tỷ mỉ kỹ thuật tiêm và cách phòng chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông nên tôi yên tâm lắm. Nhà chỉ có một con trâu thôi nhưng tôi sẽ vận dụng kiến thức đã được học để giúp đỡ bà con trong bản. Nhiều người cũng thích được học như tôi lắm”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Phượng - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải cho biết: “Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động tại các xã trong huyện và lên kế hoạch chi tiết cho việc mở các lớp đào tạo nghề cho từng đơn vị, do vậy không có sự chồng chéo trong công tác đào tạo nghề. Sau khi học nghề, các học viên đã biết vận dụng kiến thức được học để phục vụ gia đình và tuyên truyền, phổ biến cho những người xung quanh”.

Qua tìm hiểu thực tế nhu cầu học nghề tại huyện cho thấy, phần lớn người dân muốn học nghề về chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, may mặc và sửa chữa xe máy. Sau khi tham  gia các lớp đào tạo về những ngành nghề này, người dân chỉ cần một số vốn nhỏ là có thể tự mở một hiệu may hay một cửa hàng sửa chữa nhỏ ngay tại gia đình. Các lớp đào tạo nghề được mở tại các xã đã thu hút đông đảo học viên là người dân tộc Mông tham gia.

Song song với công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã chú trọng tới công tác giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo, thường xuyên liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên hệ chỗ làm việc cho lao động sau đào tạo.

 Trong 2 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với Công ty May Hòa Bình (tỉnh Phú Thọ), Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng (Hà Nội), Công ty TNHH và Đầu tư Minh Hà (thị xã Nghĩa Lộ) giới thiệu việc làm cho gần 200 lao động do đơn vị đào tạo. Bà Phượng cho biết thêm: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trung tâm Dạy nghề huyện cũng gặp không ít những khó khăn do thiếu trang thiết bị, vật tư phục vụ cho việc dạy và học. Một số học viên sau khi được Trung tâm giới thiệu việc làm đã từ chối với lý do không thích đi làm xa nhà, do không phù hợp về sức khỏe...”.

Trước yêu cầu phát triển chung của huyện và để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, năm 2011, Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải có kế hoạch mở 15 lớp với khoảng 450 học viên tham gia, trong đó chú trọng vào các nghề: chế biến nông - lâm sản, chăn nuôi - thú y, xây dựng, may mặc và rèn - đúc.

 Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn và dài hạn, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo theo ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm, giới thiệu học viên đến làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Hà Anh (Nguồn: Báo Yên Bái)