Quảng Nam: Những chuyển biến về công tác DS-KHHGĐ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
09:41 AM 18/01/2011 | Lượt xem: 2719 In bài viết |Quảng Nam là tỉnh có gần 20 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm khoảng 7% dân số chung của toàn tỉnh. Những năm qua, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là các huyện: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My...) đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Đóng góp vào sự chuyển biến đó có vai trò không nhỏ của công tác Dân số- Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ).
Theo đồng chí Phạm Ngọc Chương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam, tuy công tác DS-KHHGĐ nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nói riêng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, qua nỗ lực của các cấp, các ngành và đông đảo anh chị em làm công tác dân số trên địa bàn, bước đầu đã giúp tình hình DS-KHHGĐ tại các huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số từng bước đi vào ổn định và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số trong đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng xã hội lành mạnh, phát triển.
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2010, tỷ lệ sinh thô của tỉnh đã giảm còn 13,38%o, tỷ lệ sinh 3 trở lên giảm còn 18,98%o. Trong kết quả chung đó, tỷ lệ sinh thô và sinh 3 trở lên giảm tương ứng như: Nam Giang 24,27%o- 21,14%o, Đông Giang 17,34%o- 22,91%o, Tây Giang 20,43%o- 21,28%o, Phước Sơn 24,72%o- 26,24%o, Bắc Trà My 16,80%o- 22,17%o, Nam Trà My 22,23%o- 25,55%o ... Tuy tỷ lệ sinh này vẫn còn cao so với mặt bằng chung nhưng đây vẫn là thành tích đạt được khá lớn đối với các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số"- đồng chí Phạm Ngọc Chương khẳng định.
Nói về những chuyển biến đạt được về công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, đồng chí Trần Tấn Tài- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện miền núi Nam Giang cho biết: Qua triển khai, thực hiện Chương trình hành động về Chiến lược DS-KHHGĐ, đặc biệt trong giai đoạn 2006-2010, sự nhìn nhận cũng như kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình của người dân huyện Nam Giang đã được nâng lên rõ rệt. Trong đó, quan niệm về hôn nhân, gia đình và sinh đẻ có kế hoạch của bà con đã có chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều người chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại, các cặp vợ chồng trẻ kết hôn đúng độ tuổi, số lần sinh ngày càng thưa, hiện tượng tảo hôn cơ bản đã được dần chấm dứt. Đồng chí Trần Tấn Tài cho rằng: "Kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được cải thiện và đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong huyện".
... Bắt đầu từ khâu tổ chức công tác truyền thông hợp lý
Theo đồng chí Phạm Ngọc Chương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam: Tranh thủ những thuận lợi tại địa bàn, công tác DS-KHHGĐ trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã xây dựng cho mình chiến lược truyền thông hợp lý. Đây là khâu đột phá, tạo nên những chuyển biến bước đầu cho ngày nay.
Đồng chí Phạm Ngọc Chương nêu ra hai thuận lợi lớn. Thứ nhất là tỉnh đã có Chiến lược truyền thông- giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006-2010. Thứ hai, với sự quan tâm đầy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể, mặt trận Tổ quốc và các cơ quan thông tin đại chúng, sự vào cuộc của các già làng, trưởng bản và các cá nhân từ tỉnh đến cơ sở đã thực sự tạo nền tảng, động lực để chính sách DS-KHHGĐ đến với từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn. Điều đó cho thấy, chính sách DS-KHHGĐ đang thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi cách nghĩ, hành động và hành vi của các cấp, các ngành, đặc biệt là với người dân, các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Vậy thực chất vấn đề truyền thông của Quảng Nam đã mang lại hiệu quả gì? Về vấn đề này, tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về DS-KHHGĐ cho các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam năm 2010" do Ủy ban DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam vừa mới tổ chức tại huyện miền núi Tây Giang cho thấy, đã có 7 nhóm truyền thông quan trọng được địa phương phát huy.
Thứ nhất, công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp được Quảng Nam thường xuyên chú trọng. Từ đó, đã giúp cấp ủy và chính quyền xác định vai trò, tầm quan trọng của chương trình DS-KHHGĐ đối với sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương. Mặc khác, qua công tác này, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã xem đây là nhiệm vụ lớn, trọng tâm liên tục của mình. Nhờ đó, khi có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về DS-KHHGĐ được triển khai đến hầu như cả hệ thống chính trị tại các địa bàn miền núi trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, có sự chỉ đạo sâu sát, chu đáo và đồng bộ, thống nhất với nhau để mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đều tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng truyền thông chuyển đổi hành vi và tuyên truyền vận động về DS-KHHGĐ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của 100% đội ngũ cán bộ truyền thông từ huyện đến cộng tác viên ở cơ sở. Đây có thể xem là một nỗ lực lớn, tạo sự tự tin và sự phấn khởi, yêu nghề, có trách nhiệm với công việc của cán bộ làm công tác truyền thông trên địa bàn.
Thứ ba, các hình thức truyền thông trực tiếp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam các năm qua đã thực sự tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành vi thực hiện Chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ. Trước hết, đối với đối tượng là cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, già làng, trưởng bản... Quảng Nam đã khơi dậy, tạo ra được nhiều chính sách, nguồn lực và sự ủng hộ của dư luận và toàn xã hội đối với công tác DS-KHHGĐ. Tiếp đến, đối tượng quan trọng thứ hai là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên, thành niên và người cung cấp dịch vụ... Qua các hình thức truyền thông trực tiếp đến nhóm đối tượng này đã tạo thuận lợi cơ bản, giúp chính sách DS-KHHGĐ đến và đi vào suy nghĩ, làm thay đổi hành vi sinh sản của từng gia đình và toàn xã hôi.
Thứ tư, hàng năm Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp và ký kết với báo, đài ở địa phương mở các chuyên mục về DS-KHHGĐ; đồng thời ký kết hợp đồng với các đơn vị chiếu bóng phục vụ tại các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng là lực lượng luôn sát cánh và làm tốt công tác DS-KHHGĐ tại các địa bàn miền núi của tỉnh. Các chiến sỹ biên phòng không chỉ là những tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số hiệu quả mà họ còn trực tiếp cứu sống, tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhiều đối tượng trên địa bàn, đã là hình ảnh quen thuộc tại các thôn, buôn, bản của đồng bào.
Thứ năm, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn luôn được Quảng Nam chú trọng hàng năm. Qua đó thu hút nhiều lực lượng tham gia và huy động được nhiều đối tượng đến khám sức khỏe, tư vấn cho đối tượng thực hiện các dịch vụ DS-KHHGĐ, góp phần hoàn thành chỉ tiêu hàng năm của ngành dân số.
Thứ sáu, về các mô hình truyền thông dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay Quảng Nam đã xây dựng nhiều mô hình và thực hiện tại các địa bàn miền núi như: xã, thôn, bản, làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; câu lạc bộ tiền hôn nhân; câu lạc bộ gia đình trẻ; câu lạc bộ nam nông dân thực hiện KHHGĐ... Với các mô hình này, những năm qua đã có xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn), xã A Nông (huyện Tây Giang), xã TaLu (huyện Đông Giang) đạt xã không có người sinh con thứ 3 trở lên và hơn 100 thôn, bản nhiều năm liền là thôn, bản không có người sinh con thứ 3.
Ngoài ra, các sản phẩm truyền thông và các kênh truyền thông cũng được tỉnh Quảng Nam thường xuyên bổ sung, thay đổi để phù hợp với nhận thức của từng nhóm đối tượng và từng địa bàn. Đồng thời với đó, các thiết bị truyền thông cho các xã miền núi liên tục được được địa phương đầu tư, bổ sung, thay thế, nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu thông tin, truyền thông thường xuyên hoặc các đợt cao điểm mà địa phương và ngành chức năng tổ chức. Đặc biệt, đã có nhiều xã tổ chức được phát thanh định kỳ về nội dung DS-KHHGĐ trên hệ thống loa truyền thanh của mình, đã góp phần làm thay đổi đáng kể nhận thức và hành vi có liên quan để xây dựng gia đình, làng, thôn, buôn, bản thực hiện sinh ít con, hạnh phúc và văn minh./.
Theo Đình Tăng (Website Đảng Cộng sản VN)