Tráng chí thủy chung
Tiết trời giá rét, con đường 12A quấn mình vào những rặng núi đá vôi, chao chiêng bên những áng mây trùng điệp càng làm cho chuyến đi tìm hiểu tộc người chung thủy thêm bí ẩn. Anh bạn làm ngành văn hóa nói đồng bào Khùa ở xa tít trên núi, nhưng đàn ông sống rất có trách nhiệm với phụ nữ, thật đáng để người miền xuôi cúi chào.
Phẩm giá người Khùa sánh bằng cây trắc, tính cách người Khùa sánh bằng con nước mềm mại, chí khí người Khùa sánh bằng trời đất. Đó là những gì tôi biết trước khi lên với họ. Hồ Phòm, người được cho là thông thái nhất của bản Hà Vy xa xôi trên núi Mù Bui, nói: “Làm người đàn ông Khùa mà không cưới được ba lần cho đời vợ thủy chung là không phải tráng chí đồng bào. Cái cây, ngọn cỏ còn thủy chung đến cuối đời, dòng nước Rào Nan còn chung thủy với cái khe, cái suối thì đàn ông Khùa phải sống tốt với người vợ mình chọn”. Rượu tẻ ra, ngây ngất bên bếp lửa hồng, câu chuyện cưới ba lần của tráng chí người Khùa bừng bừng trong giọng kể của con trai, con gái, đàn ông, đàn bà Khùa cho con cháu nghe khi có khách lạ. Lần cưới đầu tiên tự nhiên như hoa như lá nở giữa mùa xuân, con người đến tuổi bén duyên thì cặp kè.
Giữa đêm, người con trai Khùa cùng ông cậu đến nhà cô gái chạm lễ. Tiếng gõ nhẹ vào cầu thang ba lần của người cậu đánh thức mẹ cha cô gái. Họ dậy, ngồi ở cửa. Người cậu dâng lễ mọn với một kiếm, một gà, ché rượu. Kiếm cho chí trai đinh người Khùa, gà thể hiện lòng thành theo quan niệm của họ, rượu là tình cảm mặn nồng, dâu bể có đổi dời thì nghĩa tình vẫn ủ men say. Họ cùng ngồi chung rượu, uống một đôi cần, chàng trai rón rén bỏ đi, người cậu ở lại với bố mẹ hầu rượu qua canh. Người con trai đến buồng cô gái, dắt người mình yêu về nhà khi tiếng nai tác sương sớm đã điểm. Họ ở đó 3 ngày, chàng trai chuẩn bị lễ vật gồm cá mát dưới khe, 2 hũ rượu ngon, 3 nén bạc rồi cùng vợ qua lại nhà bố mẹ ra mắt lễ rể. Chàng trai thưa trình, xong xuôi công việc, ở lại 2 ngày, đốn cây chẻ củi chất dưới nhà sàn cho một dụng ý con đã là con trong nhà. Con rể cũng như con trai, suốt đời hiếu đễ gia đình bên vợ như bên sinh thành.
Họ thành vợ thành chồng như thế, sống theo năm tháng. Tuổi tác sinh thành con cái, lao động chăm chỉ, tích lũy gia sản để làm lễ cưới lần hai lúc đã quá 40 tuổi, cái tuổi chính trực của đời người họ làm lễ ngãi. Dân bản được mời, những người có tuổi được mời. Nhưng quan trọng nhất ở lễ cưới lần thứ ba. Cuộc đời người Khùa sinh thành, lớn lên, quan trọng nhất cái lễ cưới đó. Bởi đấy là gia tài văn hóa họ giữ lấy ngàn đời, không thể bỏ được.
Lễ cưới lần ba chứng minh cho lòng chung thủy, keo sơn, đồng cam cộng khổ. Lễ cưới đó đầy đủ con đàn cháu đống, đủ đầy bản quán. Sân nhà sàn được mổ heo, mổ bò, rượu mừng, các bản khác cũng đưa đến vui như hội. Già làng, trưởng bản quần tụ linh thiêng. Có người không đủ lễ vật làm đám cưới lần ba, họ chết đi, con cái làm ăn cật lực để tiến hành làm đám cưới lần thứ ba. Đó là đám cưới ma.
Đám cưới ma là linh hồn cuộc sống tâm linh của người Khùa. Hồ Phòm nói: “Con chim bay trên trời có đôi có lứa, con người sống trên núi có hình có bóng. Chết rồi cũng có thương có nhớ. Con cháu phải làm đám cưới ma. Không làm không phải con cháu người Khùa. Lúc này, con trai trưởng đứng ra chủ lễ đám cưới ma, đó là đám cưới linh thiêng nhất của mỗi gia đình người Khùa chúng ta”.
Lịch lãm với tự nhiên
Người Khùa sống dựa vào tự nhiên và cuộc sống của họ đối đãi với thiên nhiên hết sức mẫu mực. Những người già nhất vùng xác nhận, tộc người Khùa từ xa xưa lấy con ong làm vật thờ. Hình mẫu mang tính tô tem này đưa lại câu chuyện đẹp về cách họ lấy các sản vật của rừng. Với họ, rừng rất quan trọng. Rừng cho người Khùa cái sống, cái vui, nụ cười. Nhưng rừng cũng đưa đến trái ngang với người Khùa. Cân bằng hai thái cực đó, người Khùa lấy con ong làm vật thờ khi đầu xuân làm lễ mở rừng. Họ coi con ong là vị thần cho họ sự siêng năng, may mắn. Hồ Phòm nói: “Bổn phận thờ con ong ở mỗi nhà, đầu năm chưa gặp pto (ong) thì chưa gặp may”. Và cũng từ đó, không thể nào sử dụng bất cứ sản phẩm nào từ ong, từ rừng. Và trách nhiệm đi tìm ong thuộc về trai tráng của các gia đình.
Trước khi vào rừng tìm ong, đàn ông Khùa làm lễ khấn thần thiên nhiên một cách trịnh trọng. Xin phép thần rừng là con đẻ của thần thiên nhiên cho cái may mắn tìm ra tổ ong. Người Khùa có kinh nghiệm tìm tổ ong đáng nể, nơi nào có tổ mối, tổ kiến đùn lên, rẽ trái chừng 200m sẽ tìm thấy tổ ong. Nhưng họ còn một cách bản địa khác trong rừng sâu, ngồi chờ bên con suối, khi mặt trời đứng bóng, họ quan sát từng đàn ong đi tìm nước và hoa, bí mật theo dõi đàn ong bay theo hướng nào, họ sẽ theo và định vị được tổ ong. Nhưng họ chưa thể ăn ong ngay lúc đó, mà lễ phép đánh dấu cây, cúi lạy 5 lượt, xin phép thần ong quay về báo cáo già làng rồi mới vào đưa về.
Thú vị rằng, nếu đó là tổ ong đầu tiên của bản, chàng trai phải làm lễ cúng ong theo hướng dẫn của trưởng bản cho cả cộng đồng, sau đó mới vào lấy ong đưa về nhà. Nhưng trong năm, cũng có người không lấy được tổ ong, lúc đó người nào trong bản gặp nhiều tổ ong liền chia sẻ vận may cho người đó. Họ cũng vái lạy, về bản gọi người chưa may mắn đi theo. Họ đi trong thinh lặng. Không ra hiệu bằng lời nói hay cử chỉ mà “nói” bằng ánh mắt. Đến tổ ong, chàng trai may mắn rít điếu thuốc rê đầy khói theo ý mình, khói chuyển hướng nào, người chưa may mắn sẽ ăn ong ở đó. Thờ thần ong với người Khùa đó là chuẩn mực ứng xử với thiên nhiên, có trách nhiệm với bạn bè, cộng đồng, là cách họ gắn bó máu thịt với nhau giữa khắc nghiệt của biên giới xa xôi.
Nhưng vì sao người Khùa lại tôn thờ ong đến mức thế? Chẳng qua họ tâm niệm con ong là hiện thân của thiên nhiên. Con ong cho mật chữa bệnh, con ong cho mật thờ cúng, sáp ong thắp ra ánh sáng cho người Khùa khỏi tối tăm. Một niềm tin giữa rừng già mênh mông. Để có những tổ ong thành kính, người Khùa lại không chặt phá rừng, bởi nếu lấy đi bao cây to, người Khùa sẽ không thể gặp may khi tìm pto.
Bếp lửa - trái tim người Khùa
Người Khùa còn thờ thần bếp. Lửa cho người Khùa ấm cúng. Lửa cho người Khùa sức mạnh trước bóng tối. Lửa cho người Khùa cái trí chống dã thú. “Không có lửa trái tim người Khùa như ngừng đập” - nói theo lời Hồ Phòm. Chính vì thế, mỗi gia đình người Khùa dựng nhà, người đàn ông tuân thủ nghiêm ngặt lễ giữ lửa 5 ngày đêm bên bếp lửa mới. Chủ nhà phải ngồi đó canh cho bếp lửa không tắt. Sau 5 ngày, bàn giao bếp lửa cho người đàn bà thủy chung của mình. Và cứ 3 năm một lần, người Khùa phải làm lễ giỗ bếp nhà mình rất trịnh trọng.
Một gia đình người Khùa khỏe mạnh, hạnh phúc là một gia đình có cái bếp đầy ắp lửa, lửa không thiếu dù giá lạnh hay đêm tối. Lễ giỗ bếp thường cúng bởi con vật hai chân là gà trống, một chai rượu, 5 bát cơm, một bát canh măng, một đôi đũa cả. Mâm cúng đặt bên bếp, người chồng cầm gà sống và đôi đũa cả vái 5 lạy. Sau đó con gà sống được làm thịt để làm lễ cúng chín. Bài cúng bếp rõ ràng từng lời: “Mời thần lửa, thần bếp về coi lòng người Khùa pung poong (chung thủy) giữ đỏ bếp mãi 3 năm. Xin thần phù hộ cả nhà sức khỏe, cho ánh sáng, cái trí để sống tốt, sống hay”.
Nhưng người Khùa còn nói cách giữ lửa là để khói bếp quấn lấy ngọn Giăng Màn hùng vĩ không biến mất bởi đất trời. Họ giữ lửa để khói muôn bản lên với núi Giăng Màn án ngữ trước mặt. Bởi núi Giăng Màn là vị thần tổ sinh ra thế giới quan người Khùa. Núi Giăng Màn cho cách người Khùa lịch lãm với tự nhiên. Núi Giăng Màn cho người Khùa ơn nghĩa với tổ tông. Núi Giăng Màn cho người Khùa biết được cương vực nước non. Xuân đã về, mận Tam hoa thắm nở khắp núi Giăng Màn, chia tay tộc người trên núi cao, mới thấy họ có trí tuệ thông minh. Người Khùa như một kỳ quan thơ mộng về tâm hồn đến lạ lẫm.
Minh Phong Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng [TT: N.T.P]