Vượt biên lấy chồng và những hệ lụy (Bài 2): Lật tẩy thủ đoạn buôn người

03:25 AM 17/03/2011 |   Lượt xem: 3208 |   In bài viết | 
Cuộc sống bên kia biên giới

Nắm được tâm lý chung của những cô gái lận đận tình duyên, khao khát có một mái ấm gia đình, những người quen cùng làng một thời bị lừa bán sang Trung Quốc đã dùng lời ngon ngọt để lôi kéo, dụ dỗ xuất ngoại. Tuy nhiên, qua lời kể của nhiều cô dâu xuất ngoại, cuộc sống không hề tốt đẹp như họ nghĩ.

Đỗ Thị H., một cô gái đã theo người chị họ vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng, cũng là người may mắn trốn thoát khỏi động bán dâm sau gần hai năm, tâm sự: “Sau khi vượt biên sang Trung Quốc, người chị họ bán tôi vào một căn nhà có hàng chục cô gái Việt Nam. Vào đây, tất cả đều được cắt tóc ngắn giống nhau, mặc quần áo đồng phục và lên rẫy hái chè như công nhân lao động. Mỗi khi có khách đến “mua” sẽ có người dẫn khách lên đồi chè, nếu ưng cô nào thì chỉ tay ra hiệu. Những cô gái bị “nhốt” ở đây đều giống tôi, là đi tìm chồng, số ít bị lừa bán do quá cả tin”. Chịu sự quản thúc nghiêm ngặt và bị ép bán dâm, H. chưa bao giờ nghĩ sẽ về được Việt Nam nếu không có sự giải cứu của cơ quan chức năng nước bạn.

Cũng theo H., cuộc sống bên kia biên giới hoàn toàn không giống với những gì mà chị họ của cô từng nói. Rất ít người có thể lấy được chồng, nếu có cũng phải chịu cảnh lao động khổ sai trong gia đình nghèo hay nô lệ tình dục của những người bỏ tiền mua về.

Những cô gái ngoan ngoãn, biết nghe lời sẽ được ông bà chủ khoản đãi, được cấp tiền tiêu và được “gả chồng” với điều kiện họ sẽ trở thành cánh tay đắc lực phục vụ việc “nuôi nguồn” cho hệ thống các động bán dâm. Khi cần “hàng”, những người này được ông bà chủ điều động cho về quê hương lừa những cô gái cả tin sang biên giới và kịch bản tương tự lại diễn ra.

Thâm độc hơn, họ còn dùng những món quà gửi gia đình có con xuất ngoại, nói dối là quà của con họ gửi về với lời nhắn đã có chồng nhưng không đủ điều kiện về quê. Tuy nhiên, có người đã vượt biên 4-5 năm nay vẫn chưa một dòng tin tức. Bà Quang Thị Vân cho biết: “Nhiều lần cô X. (người đưa con gái bà vượt biên - PV) về nhưng tôi đến hỏi thì cứ trốn tránh, chỉ nói con tôi đã có chồng nhưng chưa khỏi bệnh thần kinh. Tôi chỉ muốn biết con tôi còn sống hay đã chết”.

Chính quyền chưa vào cuộc?

“Phong trào” cho con sang Trung Quốc tìm chồng ở Chương Mỹ diễn ra sôi nổi nhất từ năm 2005. Sự việc trở thành đơn giản khi chính quyền địa phương cho rằng đó là việc riêng của mỗi gia đình. Trên thực tế, thẩm quyền của cấp xã, thôn có hạn nên không thể xử lý được vấn đề này. Nhưng một bản báo cáo lên cấp trên cũng chưa địa phương nào có, trong bản thống kê dân số cũng chỉ ghi trong danh sách là “đi lấy chồng xa” hoặc “đi làm kinh tế”. Nghiễm nhiên, việc vượt biên lấy chồng trở thành chuyện thường tình.

Tại xã Tốt Động, nơi có nhiều cô gái “mất tích” khi vượt biên tìm chồng nhưng khi được hỏi, Trưởng công an xã chỉ biết trả lời lấy lệ rằng không nắm được danh sách cụ thể.

Không chỉ ở Tốt Động mà một số xã khác như Trung Hòa, Trường Yên, Hữu Văn diễn ra tình trạng tương tự và chính quyền địa phương cũng không cung cấp được đầy đủ, chính xác những cái tên đã từng vượt biên, chỉ có thể khẳng định không có mặt ở địa phương.

Đáng buồn hơn là, chính quyền các địa phương có hiện tượng này đều phủ nhận và cho rằng đó không phải là hình thức buôn bán phụ nữ, các trường hợp nêu trên chỉ là cá biệt.

Chính sự lơ là, thiếu cảnh giác trước những thủ đoạn, hình thức buôn bán phụ nữ rất tinh vi này của chính quyền sở tại đã vô tình tiếp tay cho những kẻ buôn người hành nghề.

Thành Vinh - Thái Linh