Yếu tố tạo “đột phá” phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên

04:13 AM 24/03/2011 |   Lượt xem: 2368 |   In bài viết | 
Vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và 28 huyện miền núi (thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Phước) có đồng bào DTTS sinh sống. Nhằm phát triển bền vững giáo dục – đào tạo và dạy nghề ở Tây Nguyên, Chính phủ đã có Quyết định số 25/QĐTTg ngày 5/2/2008 về “Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010”.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn song những năm qua, mạng lưới trường học được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu học tập đề ra. Đến năm 2010, toàn vùng đã có 1.124 trường mầm non và 2.760 trường phổ thông, khoảng cách xây dựng hợp lý tại các xã, buôn làng vùng sâu vùng xa thuận lợi cho học sinh đến trường. Trong đó, phải kể đến có 54 trường phổ thông dân tộc nội trú và nhiều trường bán trú được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu tăng tỷ lệ huy động, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS. Không những vậy, giáo dục chuyên nghiệp gồm các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học, cao đẳng cũng từng bước được chú trọng. Cùng với xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp kiên cố hoá, đội ngũ giáo viên ở Tây Nguyên cũng được coi trọng thực hiện theo đề án về xây dựng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục. Từ đó, góp phần tạo bước chuyển biến quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề ở Tây Nguyên.

Điểm nổi bật trong 10 năm qua ở Tây Nguyên là công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho vùng đồng bào DTTS. Toàn vùng đã đào tạo nghề cho 168 nghìn lao động, tạo việc làm cho 826 nghìn lao động, trong đó có 182 nghìn lao động là người DTTS. Giai đoạn 2006 – 2010 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,85% xuống còn 10,34%, kết quả trên trước hết có sự đóng góp to lớn của giáo dục đào tạo và dạy nghề.

Trong Hội nghị Tổng kết tình hình phát triển Giáo dục – Đào tạo, dạy nghề Tây Nguyên giai đoạn 2006 – 2010 và kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015, tại Buôn Ma Thuột vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đầu tư của Nhà nước cho Tây Nguyên trong 5 năm qua các nguồn tăng gấp 5 lần, nhờ đó số trường lớp tăng nhiều, số cơ sở dạy nghề tăng gấp 2 lần, giáo viên tăng, tỷ lệ đạt chuẩn tăng, tất cả các hệ thống trường học đều được kết nối internet... đây là thành tựu rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sự phát triển giáo dục – đào tạo, dạy nghề vùng DTTS ở Tây Nguyên vẫn còn 103 xã chưa có trường mầm non, 43 xã chưa có trường trung học cơ sở, hệ thống trường nội trú, bán trú phát triển chưa tương xứng. Đội ngũ giáo viên là người DTTS, giáo viên biết tiếng dân tộc còn ít, việc dạy tiếng dân tộc ở một số trường chưa được mở rộng, chưa thu hút trẻ em vào mẫu giáo học tiếng Việt, nên các em gặp nhiều khó khăn khi học các lớp trên tạo tâm lý ngần ngại, bỏ học. Việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên vùng sâu, vùng xa cũng như chính sách cho học sinh dân tộc nội trú còn hạn chế do ngân sách một số nơi chưa bảo đảm...

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, toàn vùng huy động trẻ em 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt tỷ lệ 95% trở lên, 99% trẻ 6 tuổi vào lớp một; toàn vùng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 150 vinh viên/10 nghìn dân, trong đó tỷ lệ sinh viên là người DTTS đạt 20%, theo nhiều chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục-đào tạo, cho rằng: việc cần làm ngay đó là nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, dạy nghề vùng Tây Nguyên; đầu tư cơ sở vật chất mạng lưới trường học là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng cũng phải có giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên đủ và mạnh, trong đó chú ý tới việc cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm kỹ thuật, tạo cơ hội cho đối tượng là người DTTS trở thành giáo viên phổ thông và dạy nghề tạo sự gắn bó và phát triển bền vững ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành Trung ương và địa phương cần chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, vì sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo vùng Tây Nguyên.

Nguyễn Liên (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)