Chương trình 135-II ở Lộc Bình, Lạng Sơn:Góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
02:15 AM 08/06/2011 | Lượt xem: 2237 In bài viết |Kết thúc CT135 Giai đoạn I, cuộc sống của đại đa số đồng bào các dân tộc trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Giao thông chắp vá, địa hình bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu; dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều; là địa phương thuần nông, nền kinh tế tự cấp, tự túc vẫn còn in đậm trong một bộ phận đồng bào. Và, tỉ lệ hộ đói nghèo vẫn ở mức cao (trên 60%)
Được “tiếp sức” bởi CT135 giai đoạn II (CT135-II), Lộc Bình như được khoác lên mình chiếc áo mới. Ban chỉ đạo từ huyện đến xã được thành lập, 7 xã và 11 thôn được thụ hưởng CT với gần 100% số xã đó được giao làm chủ đầu tư. Rút kinh nghiệm từ CT 135 giai đoạn I và các CT giảm nghèo, CT mục tiêu quốc gia khác, BCĐ CT135-II huyện Lộc Bình quán triệt đúng tinh thần “xã có công trình, dân có việc làm”; công khai, dân chủ, bình đẳng. Theo ông Lành Văn Công, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lộc Bình: Huyện thực hiện CT135-II trên nguyên tắc tập trung dân chủ, rút kinh nghiệm sâu sắc từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Mặt khác chúng tôi tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa, nội dung của CT 135 giai đoạn II; qua đó huy động sức dân, tập trung mọi nguồn lực vật chất và tinh thần cho các công trình mà đồng bào đang được hưởng thụ. Có thể nói, một trong những thành công trong quá trình thực hiện CT 135 giai đoạn II ở Lộc Bình chính là công tác tuyên truyền. Qua đó, tạo sự đồng thuận, hiểu biết, chia sẻ từ chính quyền tới tận người dân về các chính sách của Đảng, Nhà nước, các dự án đầu tư trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CT 135-II huyện Lộc Bình, từ năm 2006-2010, tổng vốn thực hiện CT135-II đầu tư trên địa bàn là 49.410,02 triệu đồng, đã thực hiện giải ngân được 49.149,75 triệu đồng, đạt 99,47%. Trong đó có 7.623 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất; 32.959 triệu đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; 1.898,52 triệu đồng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cộng đồng; 5.488,82 triệu đồng thực hiện chính sách nâng cao năng lực, cải thiện đời sống nhân dân; 1.340,68 triệu đồng dành cho thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng; 100 triệu đồng cho công tác quản lý.. Do đó, đến nay cơ bản đã giải quyết được vấn đề đảm bảo lương thực cho người dân. Đặc biệt, từ khi có hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND, các phòng chức năng trong huyện đã tham mưu định hướng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các hộ đồng bào nghèo có một số tư liệu sản xuất như cây, con giống, phân bón, máy móc nông cụ để phát triển sản xuất, năng suất cây trồng từng bước được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa mới, tiến bộ đang được đưa vào thay thế các mô hình cũ, kém hiệu quả như nuôi trồng thủy sản , trồng cây ngô lai; chăm sóc vườn đồi, rừng… Nhiều hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 70-100 triệu đồng/năm như các hộ anh Hoàng Văn Lợi, Hoàng Văn Toán ở xã Bằng Khánh…
Với “cú hích” 135-II, điện, đường, trường, trạm… được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của đại bộ phận người dân trong vùng. Đặc biệt, Lộc Bình đã coi trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, công trình thủy lợi nhỏ; trạm y tế… là những công trình thiết thực đối với đồng bào nơi đây. Chị Nông Thị Thoa, ngụ xã Bằng Khánh chia sẻ: Nhà nước đầu tư, nâng cấp hệ thống điện thắp sáng, sinh hoạt và đường giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ thực sự phù hợp lòng mong mỏi của bà con. Có điện, có đường sẽ tạo thuận lợi giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội trong và ngoài vùng.
Công tác đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng CT135 GĐII đã từng bước nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng quản lý, điều hành của cán bộ, cộng đồng; các hộ nghèo đã thay đổi cách nghĩ cách làm, hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, chủ trương, chính sách CT135, góp phần phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học sinh vùng III, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… đã tạo điều kiện cho hộ nghèo từng bước vươn lên. Tỉ lệ hộ nghèo của các xã nằm trong 135-II mỗi năm giảm bình quân từ 3-5%/.
Theo ông Hoàng Văn Vinh, PCT UBND huyện Lộc Bình: Nhờ “cú hích” mang tên 135, cùng với những lợi thế sẵn có của địa phương, Lộc Bình đã từng bước phát huy thế mạnh, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn cao nhưng chúng tôi tin rằng với phương pháp, cách làm hợp lòng dân, trong những năm tới, Lộc Bình sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện CT135. Các dự án trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng sẽ được thực hiện song hành với việc chuyển dịch cơ cấu các loại cây trồng chủ lực như lúa lai, ngô, khoai tây… từng bước giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Phạm Tuấn