Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cơ sở tại Tuyên Quang
02:59 AM 06/07/2011 | Lượt xem: 2540 In bài viết |Tuyên Quang, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, nơi 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, đã tạo nên những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Bắc. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các giá trị văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, tại cộng đồng - nơi gìn giữ và bảo tồn những báu vật ấy đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.
Chú trọng bảo tồn từ cơ sở
Có thể ví Tuyên Quang như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Bắc bởi mảnh đất này đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số với một kho tàng dân ca, dân vũ hết sức phong phú, đặc sắc như làn điệu then, cọi, quan làng (dân tộc Tày), páo dung (dân tộc Dao), sình ca (dân tộc Cao Lan), soọng cô (dân tộc Sán Dìu)... Bên cạnh đó là những lễ hội dân gian mang nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng và đa dạng, với phần 'lễ' trang trọng và phần 'hội' đậm đà truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng (dân tộc Tày); lễ Cầu mùa, lễ Cấp sắc (dân tộc Dao); lễ hội Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn)...
Ðứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, những năm qua, nhất là từ năm 1998, khi có Nghị quyết T.Ư 5 đến nay, Tuyên Quang đã tích cực triển khai công tác bảo tồn di sản văn hóa, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu, là yếu tố đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Tuyên Quang. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự án 'Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang', thực hiện đến năm 2015. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh cho biết: 'Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đòi hỏi cần có tầm nhìn, sự hiểu biết, tri thức khoa học và cả sự tiếp cận đích thực văn hóa. Bảo tồn, phát huy một cách đúng mức không những giữ gìn được nguyên vẹn mà còn làm thăng hoa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ cốt cách mỗi dân tộc được gìn giữ, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc - nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững, được nuôi dưỡng và lưu truyền, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh'.
Có thể nói, xã hội hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở là cách thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa có sức lan tỏa nhanh chóng. Bởi, cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể, mà còn là nơi tốt nhất để bảo tồn, làm giàu và phát huy nó trong đời sống xã hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo các huyện củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ dân gian truyền thống các dân tộc Tày, Sán Chay, Dao ở các xã Ðại Phú (Sơn Dương), Ðà Vị, Sơn Phú (Na Hang), Tân An (Chiêm Hóa), Minh Hương (Hàm Yên)... Ðến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 140 đội văn nghệ xã, phường, thị trấn với hơn 2.500 tổ đội văn nghệ, thôn, bản, trường học, đơn vị, lực lượng vũ trang. Ở nhiều nơi, đồng bào tự giác đóng góp tiền của xây dựng, duy trì đội văn nghệ, mua nhạc cụ, dành thời gian luyện tập. Bình quân mỗi năm, các tổ đội văn nghệ tổ chức biểu diễn gần mười nghìn buổi, hàng chục nghìn tiết mục ca múa nhạc, trong đó có nhiều tiết mục dân ca, dân vũ các dân tộc thiểu số, góp phần đáp ứng một phần đời sống tinh thần của cán bộ và đồng bào các dân tộc ở cơ sở. Qua các hoạt động này đã xuất hiện ở cơ sở nhiều điển hình gia đình nghệ nhân dân tộc thiểu số tâm huyết, tham gia sáng tạo, truyền dạy, diễn xướng như gia đình nghệ nhân Hà Thuấn (dân tộc Tày, xã Tân An, Chiêm Hóa); nghệ nhân Sầm Văn Dừn (dân tộc Sán Chay, Sơn Dương); nghệ nhân Bàn Kim Sơn, La Chí Nguyện (dân tộc Dao đỏ, huyện Na Hang); nghệ nhân Vũ Thị Toan (dân tộc Kinh, xã Tứ Quận, Yên Sơn)...
Phát huy vai trò của các nghệ nhân
Theo chân ông Lộc Minh Tân xuống gia đình nghệ nhân Hoàng Quang Hột, thôn Nà Khá, xã Năng Khả, huyện Na Hang mới thấy việc tạo dựng một mối quan hệ khăng khít và gắn bó giữa cán bộ văn hóa cơ sở với các nghệ nhân là hết sức quan trọng. Ðó không chỉ là sự quan tâm động viên kịp thời của những người làm công tác bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hóa mà nghệ nhân chính là một trong những giá trị văn hóa sống. Trong ngôi nhà sàn của mình, ông Hột cho biết, rất nhiều người giàu có từ miền xuôi lên gạ ông bán nhà với giá hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, ông từ chối bởi điều đó sẽ làm mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngôi nhà sàn của ông giờ đã là một địa chỉ văn hóa của thôn, nơi ông truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu quan làng của dân tộc mình. Ông cũng hiến 640 m đất để làm nhà văn hóa của thôn, với kinh phí xây dựng và cung cấp trang thiết bị do Nhà nước đầu tư lên tới 500 triệu đồng.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, nghệ nhân Hà Thuấn rất vui và tự hào bởi cả ba thế hệ trong gia đình biết hát then và chơi đàn tính. Cho tới bây giờ, ông vẫn nhớ như in cái đêm then cọi do tỉnh Tuyên Quang phối hợp huyện Chiêm Hóa tổ chức tại chính cái nôi của hát then quê hương ông. Ông Thuấn bảo: 'Ðược sinh ra và nuôi dưỡng trong cái nôi của then, cọi, không tự hào sao được. Khi được huyện thông báo kế hoạch, hàng tháng trời tôi chẳng thiết ăn, thiết ngủ, biên soạn các tiết mục biểu diễn cho đội văn nghệ xã Tân An làm chủ lực. Ðêm biểu diễn thu hút hàng nghìn người dân từ các xã trong huyện, thậm chí nhiều người còn lặn lội từ huyện khác về để xem'. Ðêm biểu diễn được ghi hình lại. Tới bây giờ, mỗi khi có khách, nghệ nhân Hà Thuấn lại lật đật đi bật đĩa VCD cho khách xem. Ông bảo: 'Bà con Tân An chẳng có gì đặc sản đem thết khách, chỉ có cái đĩa này...'.
Mặc dù chưa được phong danh hiệu nghệ nhân, nhưng bà con xã Ðại Phú (huyện Sơn Dương) từ lâu yêu mến, phong cho ông Sầm Dừn là nghệ nhân. Ðến nay, bất kỳ cuộc vui nào trong bản cũng không thể thiếu được tiếng ca, điệu múa Sình Ca mà dòng họ Sầm đã kỳ công lưu giữ và truyền lại. Ðến nay, cuộc sống tuy còn chưa hết khó khăn nhưng cứ mỗi tối cuối tuần, các câu lạc bộ Sình Ca tại các thôn, bản lại vang lên những làn điệu Sình Ca mộc mạc, nhưng chứa đựng những triết lý nhân sinh đầy ý nghĩa. Ông Sầm Dừn nói: 'Trước đây bà con chỉ ngồi hát với nhau, bây giờ, thôn nào cũng có câu lạc bộ, đua nhau hát, đua nhau ghi hình, sau đó chiếu lên để xem đội văn nghệ hay câu lạc bộ nào có tiết mục đặc sắc hơn, hay hơn. Sình Ca đã trở về trong đời sống thường nhật của chúng tôi rồi, vui không kể xiết'.
Cả tỉnh Tuyên Quang tới giờ chỉ có hai nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu nghệ nhân, đó là các ông Hà Phan, Hà Thuấn (xã Tân An, Chiêm Hóa). Ông Hà Phan đã mất, giờ chỉ còn duy nhất nghệ nhân Hà Thuấn. Ðó cũng là nỗi lòng của không chỉ các nghệ nhân ngày đêm âm thầm và miệt mài gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ trẻ những tinh hoa của dân tộc mình, mà còn là của các cấp lãnh đạo và các nhà làm công tác văn hóa của tỉnh. Giám đốc Nguyễn Việt Thanh cho biết: 'Trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian, già làng có công lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, những nghệ nhân ấy cần có một danh hiệu, cũng như sự khen thưởng khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân dốc lòng hơn nữa vì văn hóa truyền thống của dân tộc mình'.
Theo Hà Thanh(Báo Nhân dân điện tử)