Kinh nghiệm phát triển đảng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang

02:06 AM 14/09/2011 |   Lượt xem: 2466 |   In bài viết | 
Từ khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 56 NQ/TU ngày 17 tháng 6 năm 2009 về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, công tác phát triển đảng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Đồng chí Lê Quang Uyên, Bí thư thôn Nà Mỏ, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang - nơi sinh sống của 24 hộ đồng bào dân tộc Dao cho biết: Trước năm 2009, thôn chưa thành lập được chi bộ vì thiếu số lượng đảng viên theo quy định. Đảng ủy thị trấn đã tăng cường 3 đồng chí ủy viên về thôn để thành lập chi bộ. Chi bộ thôn Nà Mỏ đã phát huy vai trò lãnh đạo, tổ chức tốt các phong trào thi đua lao động giỏi như trồng rừng, xây dựng các mô hình kinh tế, qua đó đã phát hiện 5 quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng, trong đó đã có 2 người đã được kết nạp Đảng, 3 quần chúng còn lại chuẩn bị được kết nạp. Đến hết tháng 8 năm 2011, Chi bộ Nà Mỏ đã có 5 đảng viên. Các đảng viên mới kết nạp đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đảng viên Bàn Tài Ngan được kết nạp Đảng năm 2009 đã tích cực vận động nhân dân trồng được 30 ha rừng phòng hộ; đẩy mạnh thâm canh lúa lai, năng suất đạt hơn 2 tạ/sào. Đồng chí Ngan đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Nà Mỏ. Đảng viên Triệu Thị Xuyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng hỗ trợ hội viên vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trâu, đời sống của hội viên ngày càng được nâng lên.
Trung Minh là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Toàn xã có 438 hộ, với trên 2 nghìn nhân khẩu, 97% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao. Đồng chí Bàn Văn Thân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Minh cho biết: Trước năm 2009, Đảng bộ xã chỉ có 67 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ, trong đó chỉ có 4 chi bộ sinh hoạt độc lập, còn lại 3 chi bộ sinh hoạt ghép từ 2-3 thôn, bản. Thực hiện Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết và Chương trình hành động vận dụng linh hoạt theo tình hình thực tế tại địa phương. Nhờ đó, đến nay Đảng bộ đã kết nạp được 46 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ xã lên 113 đảng viên, xoá được chi bộ phải sinh hoạt ghép. Đặc biệt, nhiều chi bộ có 100% đồng bào dân tộc Mông, Dao nhiều năm trước không kết nạp được đảng viên nay đã kết nạp được đảng viên mới. Điển hình như chi bộ thôn Bản Ruộng (xã Trung Minh). Trước đây, do không đủ 3 đảng viên nên phải sinh hoạt ghép với thôn Nà Khẻ, đến nay đã kết nạp được 3 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số và đã tách ra thành 2 chi bộ là chi bộ thôn Bản Ruộng và chi bộ thôn Nà Khẻ.
Đồng chí Tô Thị Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chiêm Hoá cho biết: Huyện đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp kết nạp đảng viên ở các chi bộ có số lượng đảng viên ít; chỉ đạo các cấp uỷ cơ sở rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, tổ nhân dân, trường học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên mới.… Với cách làm đó, từ năm 2009 đến nay, Đảng bộ huyện Chiêm Hoá đã kết nạp được 782 đảng viên. Trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số 523 đồng chí, chiếm 66,88%. Hầu hết đảng viên mới được kết nạp đều hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đảng viên là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực vận động nhân dân, gia đình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như làm đường bê tông nông thôn, ứng dụng KHKT vào thâm canh tăng năng suất lúa, ngô, lạc, đậu tương, trồng rừng, trồng mía nguyên liệu…
Nói về công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Hữu Hoan, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Tuyên Quang cho biết: Trước tiên, phải tạo được sự thống nhất trong cấp uỷ các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, tổ nhân dân, vùng đồng bào dân tộc ít người còn ít đảng viên. Cấp uỷ các cấp cần cụ thể hoá bằng kế hoạch, chương trình cụ thể và các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương, đơn vị. Phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở để vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn những nhân tố mới, quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng...
Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên đối với công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người: Nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên; Chú trọng bồi dưỡng, kết nạp đảng những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và mở rộng đối tượng tạo nguồn trong học sinh, sinh viên là con em các dân tộc ít người trong nhà trường; Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên..
Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng chung sống: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Sán Chay, Sán Dìu, Pà Thẻn, Mông..., 103 xã thuộc vùng khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 486 tổ chức cơ sở đảng với 41.486 đảng viên. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đảng viên so với dân số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người đạt khoảng 4,5% (45 đảng viên trên 1.000 dân)./.

Theo TTXVN