Làm thế nào để bảo tồn hiệu quả các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Sông Hinh
02:19 AM 25/10/2011 | Lượt xem: 2608 In bài viết |Sông Hinh là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, giáp ranh với Đắc Lắk, là một vùng đất có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Điều đó đã được chứng minh qua nhiều hiện vật, di sản văn hóa được thống kê, phát hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp bảo tồn hiệu quả thì các giá trị, di sản văn hóa sẽ dần dần mai một...
Huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, 3 dân tộc thiểu số bản địa là Êđê, Bana, Chăm cùng các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc mới di cư vào khoảng hơn 10 năm nay sống quần cư với đồng bào Kinh. Sự giao thoa giữa các dân tộc đã cho thấy sự phong phú, đa dạng của di sản văn hóa trên vùng đất này. Các dân tộc thiểu số đã và đang sinh sống ở Sông Hinh có một nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, được bảo tồn và phát huy qua các thế hệ, thể hiện qua những lễ hội dân gian.
Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, huyện Sông Hinh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan văn hóa cồng chiêng, giao lưu biểu diễn trang phục người dân tộc thiểu số, phục dựng lễ hội cầu mưa, lễ mừng tuổi, lễ về nhà mới, mừng lúa mới (của dân tộc Êđê), lễ đâm trâu… (của dân tộc Ê Đê, Bana), lễ cúng đám cưới, lễ cúng sức khỏe của đồng bào dân tộc Chăm H’roi. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa vật thể đã được sưu tầm, trưng bày như: 24 bộ cồng chiêng - A ráp, trống cái, trống đôi, đàn goong, đàn kni, đinh guih, đinh năm, truất sẩy gạo, cối giã gạo, gùi, nỏ, trang phục truyền thống.... Ngoài ra, đồng bào các dân tộc còn lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp. Qua thời gian thực hiện, đề án đã góp phần giúp cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhà văn Y Điêng, người dân tộc Ê Đê năm nay đã 83 tuổi, ông là người duy nhất viết về đồng bào Ê Đê, viết về mảnh đất Sông Hinh đã sinh ra ông và đồng bào ông. Ông còn là người sưu tầm và dịch các câu truyện cổ tích, các trường ca Ê Đê, Bana từ tiếng Ê Đê sang tiếng Việt và ngược lại. Nhà văn Y Điêng là một trong 2 người thầy duy nhất ở Sông Hinh dạy tiếng và chữ Ê Đê cho cán bộ huyện. Ông tâm sự: “Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các cấp chưa triển khai đồng bộ, chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng. Hiện tại, hầu hết hiện vật văn hóa ở Sông Hinh đang được người dân lưu giữ. Trong khi đó, các ngành chức năng còn chưa chú trọng công tác tuyên truyền, giúp đồng bào nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, lớp thanh niên đang ngày càng lạ lẫm, thờ ơ với di sản văn hóa của cha ông để lại. Việc diễn xướng sử thi, đẽo tượng nhà mồ, dệt thổ cẩm đều trông cậy vào những người lớn tuổi của buôn làng; mà hầu hết họ đều đã già yếu nếu không truyền dạy được cho lớp trẻ thì bản sắc văn hóa sẽ dần bị mai một".
Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh: trong thời điểm hiện nay, việc nâng cao nhận thức của người dân trong bảo tồn các di sản văn hóa là công việc quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn của tỉnh Phú Yên để tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào các dân tộc. Song song với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, huyện Sông Hinh chú trọng đầu tư phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn trong tổng thể phát triển du lịch - văn hóa của tỉnh. Có như vậy, các di sản văn hóa mới được bảo tồn và phát huy, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện./.
Việt Vũ