Trước đây cây gai mọc hoang trong rừng, chỉ việc vào rừng chặt khúc đem về, nhưng ngày nay, gai trong tự nhiên hiếm. Chỉ những gia đình còn duy trì nghề đan võng mới trồng gai. Sau khi thu hoạch, những đoạn gai dài được đem ra tước vỏ hoặc dùng dao cùn cạo lớp vỏ lụa bên ngoài, sau đó rửa sạch rồi phơi khô, bảo quản kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cũng như màu sắc khi thành sản phẩm. Mỗi chiếc võng gai phải sử dụng 3kg - 4kg gai khô. Quy trình đan một tấm võng bắt đầu từ công đoạn chọn sợi, tết quai võng, chọn loại then .... Tùy thuộc vào cách tết, cách bố trí hoa văn khác nhau mà có võng được tết then hai, then ba, có võng tết then sáu, then bảy. Ở võng then hai, then ba, mỗi mắt võng có hai đến 4 lỗ nhỏ nằm trong một khung đan, số lỗ tăng theo từng loại then. Hầu hết võng gai đều có chiều dài 2,2 mét, rộng 1,6 mét; các mắt võng cùng một khổ 12cmx12cm.
Cái khó cũng là nét tinh hoa nhất của võng gai là cách tết phần tang võng và tạo hoa văn từng mắt võng. Từng sợi gai được đôi bàn tay các mẹ, các chị vừa đan vừa xoắn sao cho săn chắc, hai đầu võng và phần tang hai mép võng được bện cầu kỳ, đặc biệt các vết nối khéo léo đi liền với nhau khó có thể phát hiện được.
Thông thường để đan một tấm võng, người thợ mất khoảng 1 tháng mới làm xong và tùy theo sản phẩm mà võng gai có giá từ 400 nghìn đến hơn 1 triệu đồng.
Trước đây, trong mỗi gia đình người Thổ, nhà nào cũng mắc võng gai, nhưng ngày nay với sự xuất hiện của võng xếp, võng dù tiện lợi, công nghệ hiện đại, đặc biệt nhà cửa được xây mới theo kiểu không có cột, không có chỗ mắc võng, cho nên nghề truyền thống đan võng gai bị mai một dần. Những hộ còn duy trì nghề đan võng gai ở Qùy Hợp cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, đồng bào đan võng gai dân tộc Thổ luôn mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo đúng hướng để nghề đan võng gai mãi mãi được bảo tồn và phát triển.
Vân Anh (Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển)
Tin khác