Để công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả bền vững
02:47 AM 18/11/2011 | Lượt xem: 2379 In bài viết |Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số thì công tác xoá đói giảm nghèo là một mục tiêu quan trọng có ý nghĩa quyết định trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới hiện nay.
Xuất phát từ mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật là triển khai Quyết định 134, Chương trình 135, 139, Nghị quyết 30a.... và nhiều chương trình, dự án khác. Bên cạnh những hiệu quả thiết thực mà các chương trình, dự án mang lại cho đời sống vùng đồng bào dân tộc như cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí… còn tạo động lực quan trọng góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện tượng giảm nghèo không bền vững (tái nghèo) còn khá phổ biến, chưa thể chấm dứt ở nhiều vùng đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân đó được ví như cho người nông dân con cá mà không trang bị cho họ cần câu và dạy họ cách câu cá. Việc xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi, qui mô sản xuất phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo đôi khi chưa thật phù hợp. Việc hỗ trợ hộ nghèo con bò, con lợn nái, một cặp dê với vài loại cây ăn quả…thì chưa thể xoá được nghèo. Cho hộ nghèo vay vốn nhưng tập huấn kỹ thuật không kỹ, kỹ năng tập huấn không phù hợp với trình độ và nhận thức của người dân nên không mang lại hiệu quả; không có cán bộ theo dõi giám sát hoặc có nhưng trách nhiệm không cao. Bên cạnh đó những phong tục tập quán lạc hậu, tính ỷ lại của người dân đối với Nhà nước và chính quyền cơ sở đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít đồng bào.
Trước những nguyên nhân trên, để thực hiện thành công công tác xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số một cách hiệu quả và bền vững thì các cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan cần cần nâng cao trách nhiệm thực thi, tiến hành đồng bộ với những giải pháp cụ thể như: Đối với những đối tượng hộ nghèo có đất, nhưng vì nghèo mà phải cầm cố đất thì nên dùng hình thức tín chấp tạo điều kiện cho họ tiếp cận và vay vốn ưu đãi với lãi xuất thấp; từ đó để họ có điều kiện tổ chức lại sản xuất và ổn định cuộc sống; Đối với những hộ nghèo không có đất sản xuất thì cần có chủ trương giúp họ có việc làm để có nguồn thu nhập bằng cách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp và giải quyết việc làm cho họ ở những HTX, các doanh nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất có uy tín phù hợp với ngành nghề mà họ đã được đào tạo; Đối với những hộ có đất, có tư liệu sản xuất, có lao động, chăm chỉ làm ăn nhưng đông con cái hoặc thường xuyên bị ốm đau bệnh tật… thì cũng nên dùng hình thức tín chấp hỗ trợ họ về vốn để họ có điều kiện sản xuất hoặc đầu tư các loại cây trồng và vật nuôi phù hợp; Đối với những hộ có đất, có lao động, nhưng chây lười, ham mê cờ bạc, riệu chè… thì cần kiên trì vận động, giáo dục, nếu tái phạm nhiều lần cần phải có biện pháp mạnh như đưa đi lao động cải tạo… Các cơ quan chức năng liên quan làm công tác xoá đói giảm nghèo cần tiếp tục xây dựng các trương trình, dự án phù hợp với từng vùng cụ thể để tranh thủ tối đa và hiệu quả các nguồn kinh phí của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh việc đầu tư các loại cây trồng và con giống phù hợp cần tiến hành tập huấn kỹ thuật cho người dân theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Có biện pháp theo dõi thường xuyên, động viên, khuyến khích đối với người nông dân trong quá trình lao động sản xuất. Tạo điều kiện cho họ được thăm quan các mô hình sản xuất làm ăn hiệu quả, có khả năng nhân rộng, phù hợp với điều kiện và khả năng của đa số người dân.
Bên cạnh các giải pháp trên cũng cần quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân, các hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Biểu dương kịp thời và có hình thức khen thưởng thích đáng đối với những cán bộ sâu sát và có trách nhiệm đối với người dân trong công tác xoá đói giảm nghèo. Đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng những gương lao động vượt khó làm giàu, những mô hình xoá đói giảm nghèo điển hình nhằm biểu dương và để các hộ khác có điều kiện tham quan, học tập.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ngành và các cấp địa phương, công tác xóa đói giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa đang ngày càng biến chuyển một các tích cực. Và với những giải pháp nêu trên, chúng ta tin rằng công tác xoá đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sẽ đạt được kết quả bền vững và cũng chính là nền tảng quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới.
Phạm Văn Phú