Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
01:14 AM 22/11/2011 | Lượt xem: 2290 In bài viết |Cách đây tròn 20 năm, ngày 18-11-1991, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã được thành lập với chức năng là đoàn thể quần chúng, có nhiệm vụ hợp tác với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các cơ quan văn hóa, khoa học trong cả nước, huy động các lực lượng văn hóa trong xã hội cùng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số...
Với văn nghệ sĩ trưởng thành từ
đời sống văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, cũng như các văn nghệ sĩ
luôn luôn gắn bó với đề tài này, thì sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật các
dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNTCDTTS) là sự kiện hết sức quan trọng. Vì một
mặt, đó là biểu hiện cụ thể sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với quá trình phát
triển đời sống tinh thần các dân tộc thiểu số; một mặt tạo ra cơ hội để văn nghệ
sĩ hoạt động trên lĩnh vực này có điều kiện để bảo tồn và sáng tạo nên những giá
trị văn học nghệ thuật mới, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và
đóng góp vào sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Cho đến nay, Hội VHNTCDTTS đã có 738 hội viên, 30 tổ chức cơ sở hội và chi hội
tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc,
múa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, cán bộ quản lý
văn hóa dân tộc. Hội viên gồm nhiều thành phần dân tộc, như: Tày, Nùng, Thái,
Mông, Dao, Kinh, Mường, Giáy, Khmer, Chăm, Hoa, Sán Chay, Hà Nhì, Khơ Mú, Lô Lô,
Xa Phó, Pa Dí, Bố Y, La Chí, Ê Ðê, Ba Na, Gia Rai,... Như vậy, đã có khoảng hơn
35 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc ở Việt Nam có hội viên; và một số dân tộc
mới có một hội viên, còn hơn 20 dân tộc chưa có hội viên. Hiện nay, đội ngũ tác
giả, nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong các chuyên ngành của Hội VHNTCDTTS có số
lượng khác nhau. Trong đó, chuyên ngành văn học có đội ngũ đông đảo hơn cả,
chiếm phần đông tổng số hội viên. Có chuyên ngành lại rất ít, chỉ có số lượng
vài người như điện ảnh. Bên cạnh đó, phải nhắc tới sự đóng góp của một số anh em
văn nghệ sĩ người Kinh đã gắn bó máu thịt và luôn tâm huyết với đề tài dân tộc
và miền núi. Nhiều tác phẩm của anh em văn nghệ sĩ người Kinh đã phản ánh về đời
sống các dân tộc vùng cao rất sâu sắc, mang đậm phong cách, lời ăn tiếng nói của
các dân tộc vùng cao, một số tác phẩm đã được tặng giải thưởng của Hội VHNTCDTTS
và các Hội chuyên ngành ở Trung ương.
Nhìn chung, hoạt động của Hội VHNTCDTTS đã đạt được một số kết quả đáng tự hào,
có chuyên ngành đã thu được thành tựu đáng kể, song cũng có chuyên ngành cần
phải tìm ra biện pháp khắc phục các yếu kém để tiếp tục xây dựng và phát triển.
Vì trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, trước sự phát triển của hệ thống
truyền tải văn học nghệ thuật và sự "xâm lấn" của nhiều xu hướng văn học nghệ
thuật hiện đại, vấn đề bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc trong bối cảnh
lịch sử mới đã và đang trở thành vấn đề sống còn đối với từng tác giả, đối với
từng dân tộc. Từ kết quả hoạt động của Hội VHNTCDTTS, có thể nói sau 20 năm, văn
học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đã luôn giữ vững, phát huy được bản sắc của
từng dân tộc, nhiều tác phẩm đã được công chúng dân tộc thiểu số nồng nhiệt đón
nhận. Có tác phẩm đã được dư luận đánh giá có giá trị tư tưởng - nghệ thuật tốt.
Ðiểm rõ nhất là sự xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả mới, một số cây bút trẻ
đã có sự tìm tòi trong sáng tác, tạo không khí mới cho sáng tạo nghệ thuật. Một
số tác giả, nghệ sĩ dân tộc thiểu số tuổi đời còn trẻ, tuy mới xuất hiện nhưng
đã chứng tỏ được tài năng và được cả nước biết đến. Ðó là những tín hiệu đáng
mừng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số. Dân tộc và hiện
đại, là phương châm sáng tác và cũng là mục đích vươn tới của các văn nghệ sĩ
dân tộc thiểu số. Một số văn nghệ sĩ trẻ đã ý thức về nguy cơ phai nhạt bản sắc
văn hóa dân tộc, nên ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, việc kế thừa, phát huy
những giá trị văn hóa dân tộc cùng với việc tiếp thu cái mới luôn được đặt ra.
Có thể nhắc tới một số thành tựu, như: Về văn học, một số nhà thơ đã được nhận
giải thưởng cao ở trong nước và quốc tế, nhiều tập thơ với những giọng điệu mới
đã ra đời. Ðặc biệt là ngày càng có nhiều tác giả sáng tác thơ "song ngữ". Số
tác phẩm thơ sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng nhiều hơn, sự thay đổi về
hình thức nghệ thuật thơ cũng được chú ý hơn. Văn xuôi cũng đã có bước phát
triển về ngôn ngữ, bút pháp linh hoạt hơn trong cách thể hiện. Một số vấn đề lớn
ở vùng dân tộc thiểu số đã được các tác giả đề cập. Các cây bút nữ cũng đã đem
đến cho văn học dân tộc thiểu số nhiều tác phẩm văn xuôi và thơ có giá trị, đây
là điều ít thấy ở các thời kỳ trước đây. Về nhiếp ảnh, hiện tại tập trung vào
một số đề tài: gia đình, phong cảnh, đời sống sinh hoạt, lao động, học tập của
người dân miền núi. Có nhiều bức ảnh đẹp ghi lại các khoảnh khắc thời gian, cuộc
sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất sinh động, trong đó có một số bức ảnh
thành công trong việc phản ánh đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ðiều đó cho
thấy, nhiếp ảnh ngày càng có một vị trí quan trọng trong đời sống của người dân
miền núi, và số hội viên tham gia lĩnh vực này tương đối đông. Ðặc biệt, công
tác sưu tầm thu hút sự quan tâm của rất nhiều hội viên và hoạt động rất hiệu
quả. Hàng loạt tác phẩm văn học, âm nhạc, múa, truyện cổ, truyện thơ, ca dao,
thành ngữ, tục ngữ, dân ca, sách luật tục, sách giáo huấn và nhiều văn bản người
xưa ghi chép bằng các loại chữ cổ cũng được sưu tầm đầy đủ, ghi chép rất tỉ mỉ,
công phu...
Tuy nhiên, sau 20 năm, dù hoạt động của Hội VHNTCDTTS đã có nhiều thành tựu,
nhưng vẫn còn hạn chế ở nhiều lĩnh vực, ngay cả lĩnh vực có thế mạnh vẫn bộc lộ
nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan
dẫn đến tình hình này, tập trung vào các nguyên nhân như: Do đời sống vật chất
và tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, nên hoàn cảnh kinh tế và
điều kiện sáng tác của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; anh
chị em văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số ở phân tán các vùng miền, ít có điều kiện
giao lưu sáng tác, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Việc xuất bản, công bố tác phẩm
hết sức hạn chế do các văn nghệ sĩ không có điều kiện in sách, mở triển lãm, thu
băng, đĩa. Các văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số chưa được bồi dưỡng thường xuyên
để nâng cao nhận thức chính trị, kinh tế, xã hội và nghiệp vụ sáng tác, sưu tầm,
nghiên cứu. Anh chị em ít có điều kiện giao lưu, trao đổi, hội thảo văn học nghệ
thuật giữa các vùng miền; ít có điều kiện quan hệ giao lưu với quốc tế. Trong xu
thế phát triển của xã hội, nhiều văn nghệ sĩ khi được đào tạo trưởng thành lại
rời quê hương, làng bản về sống và làm việc ở thị xã, thành phố, xa vùng dân
tộc, xa quê hương bản quán nên ít nhiều có khoảng cách với vùng quê sáng tạo của
mình. Vì vậy tác phẩm của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số cũng chưa phản ánh
thật đậm nét và sâu sắc chân thực cuộc sống hiện tại của đồng bào dân tộc thiểu
số. Cần nhấn mạnh là, đã có tình trạng hội viên tập trung ở Hà Nội, phân bố rải
rác ở khắp các tỉnh lỵ miền núi Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng Tây Nam Bộ,
TP Hồ Chí Minh. Việc nhiều hội viên có xu hướng chuyển về sinh sống ở đô thị đặt
ra một vấn đề cho việc quản lý văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số là làm thế
nào để giữ vững và phát huy bản sắc của từng dân tộc. Nguy cơ bị đồng hóa, bị
xói mòn và đánh mất bản sắc luôn đặt ra cho công tác hoạt động chuyên môn của
Hội VHNTCDTTS.
Từ việc quán triệt chủ trương, đường lối của Ðảng về công tác văn hóa, văn học
nghệ thuật và công tác dân tộc, đến việc tiếp tục xây dựng Hội VHNTCDTTS vững
mạnh, trong các năm tới, Hội VHNTCDTTS xác định cần tập hợp đoàn kết, giúp đỡ
văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số; phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới trong lực
lượng trẻ các dân tộc nhằm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số
trong những năm tới vững vàng về tư tưởng chính trị, khá và giỏi về nghề nghiệp,
hiểu biết sâu về văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn bó mật thiết với quê
hương miền núi và cuộc sống của đồng bào dân tộc; đẩy mạnh hoạt động sáng tạo
nhằm có nhiều tác phẩm mới chất lượng ngày càng cao, có giá trị nhân văn sâu
sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở cuộc sống mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện
vọng chính đáng của công chúng là đồng bào các dân tộc và cả nước. Cùng với sự
phát triển của đất nước nói chung, của văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng,
Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số luôn là một bộ phận cấu thành và anh em văn
nghệ sĩ dân tộc cần hiểu rõ hơn bao giờ hết về trách nhiệm của mình trước Ðảng,
trước nhân dân, để trong những năm tới, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số sẽ tiếp
tục có những đóng góp quan trọng đối với sự đổi mới của đất nước.
Nông Quốc Bình (Nguồn: Báo Nhân dân)