Bám lớp, bám trường ở vùng cao Ðiện Biên
01:30 AM 09/12/2011 | Lượt xem: 2485 In bài viết |Ðiện Biên - Tây Bắc núi non trùng điệp, thơ mộng với những rừng hoa ban trắng. Thế nhưng đằng sau sự hùng vĩ và nên thơ ấy, khi tìm hiểu về công tác giáo dục còn là bề bộn những khó khăn của các thầy giáo, cô giáo nơi các bản làng trên núi cao, xa xôi, heo hút - những người vượt lên những khó khăn, vất vả để bám trường, bám lớp đưa văn hóa đến với các em học sinh người dân tộc thiểu số.
Phòng học ban ngày, tối là "phòng công vụ"
Pê Giăng Ky, cái tên nghe rất "tây" nhưng lại gợi lên trong lòng mỗi người dân Ðiện Biên về một bản người Dao của xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa nằm cheo leo, heo hút giữa một bên là hồ thủy điện Sơn La mênh mông nước và một bên là núi non trùng điệp. Vượt qua quãng đường từ trung tâm huyện lỵ Tủa Chùa dốc núi chênh vênh với nhiều đoạn cua gấp tay áo dài hơn 50 km đến với bản Pê Giăng Ky, dù trời se lạnh mà chúng tôi đều nhễ nhại mồ hôi. Thấy vậy, cô Bàn Thị Khiết, giáo viên Trường mầm non Huổi Só cắm bản được hơn hai năm không giấu nổi nụ cười, chia sẻ: Các anh hôm nay gặp may rồi! Nếu phải hôm trời mưa thì không cần "giữ" chân cũng phải "cắm bản" cả tuần vì đường lầy lội không thể ra được. Lớp học ở điểm bản Pê Giăng Ky tuềnh toàng, mượn tạm nhà văn hóa bản. Ngôi nhà lợp tôn cũ kỹ được chia làm ba phòng học, ngăn cách với nhau chỉ bằng một chiếc bạt che tạm ngang đầu người thành ba lớp học của Trường tiểu học và mầm non Huổi Só . Chẳng thế mà nói như thầy giáo Lò Văn Châu, giáo viên Trường tiểu học Huổi Só: Có khi đang giảng bài thấy học sinh chăm chú nhưng không phải là nghe thầy lớp mình giảng mà "nghe nhầm" tiếng giảng bài lớp bên cạnh vọng sang rõ mồn một. Ðiều đáng nói, do thiếu thốn về cơ sở vật chất cho nên ở điểm bản này ban ngày là phòng học thì tối đến lại trở thành "phòng công vụ giáo viên" với mỗi góc phòng học kê một chiếc giường cho hai thầy Lò Văn Châu và Lò Văn Sương cắm bản sinh hoạt, ăn ở. Ðó là chưa kể đến bản người Dao ở đây chỉ có hơn 36 hộ dân sinh sống, mà số phụ huynh thông thạo tiếng phổ thông rất ít cho nên, phần lớn học sinh ở nhà vẫn giao tiếp bằng tiếng dân tộc, khiến cho việc "cắm bản" dạy chữ của thầy cô giáo khó khăn gấp bội phần.
Khó có thể kể hết những vất vả nhọc nhằn mà những thầy giáo, cô giáo vùng cao phải vượt qua để đưa văn hóa, niềm tin, ánh sáng đến với mỗi học sinh, mỗi bản làng. Ðường sá xa xôi, giao thông cách trở, điều kiện sinh hoạt khó khăn... khiến cho nhiều cặp vợ chồng giáo viên dù có con đều trở thành cặp vợ chồng "son" vì phải gửi con về với ông bà nội, ngoại ở quê hoặc trở thành "vợ chồng Ngâu" cả tháng mới gặp nhau một, hai lần. Thầy Nguyễn Duy Quân, giáo viên Trường THCS bán trú Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) từ Hà Nội lên đây công tác được hơn 12 năm, trải qua bảy trường, điểm trường khác nhau rồi về Trường THCS bán trú Mường Phăng dạy. Theo thầy Quân, dù đã "bén duyên" với cô gái Ðiện Biên nhưng hai vợ chồng làm việc cách nhau gần 40 km cho nên phải gửi con gái ở với ông bà ngoại và cứ một, hai tuần mới về thăm con một lần.
Theo Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD và ÐT Ðiện Biên Nguyễn Văn Ðoạt, trên địa bàn tỉnh, số cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có yêu cầu về nhà ở nhưng chưa có chỗ ở là rất lớn. Nhu cầu về nhà công vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục tăng theo từng năm. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 53,7% số phòng công vụ giáo viên gồm cả phòng kiên cố, bán kiên cố và phòng tạm. Tỉnh còn thiếu hơn hai nghìn phòng công vụ giáo viên so nhu cầu, là những khó khăn, vất vả mà các thầy giáo, cô giáo khắp các bản làng, trường học phải nỗ lực vượt qua.
Chung tay để giáo viên bám lớp, bám trường
Những khó khăn đeo đẳng ngành giáo dục vùng cao khiến cho vấn đề xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cũng như chất lượng giáo dục luôn là băn khoăn trăn trở với những ai quan tâm giáo dục nơi đây. Nhưng từ những khó khăn ấy đã le lói những phương pháp hay, cách làm thiết thực của mỗi thầy giáo, cô giáo cũng như các cấp quản lý giáo dục của Ðiện Biên, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện GD và ÐT.
Tại Trường THCS Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), tâm sự với chúng tôi, Hiệu trưởng Trương Văn Hùng chia sẻ: Với các thầy giáo, cô giáo của Xá Nhè khi nói về công tác vận động học sinh đến lớp học tập chuyên cần thì câu nói cửa miệng là phải "nhẵn ngõ, quen chó" của bà con dân bản. Nói như vậy để thấy rằng việc nâng cao chất lượng dạy và học nơi vùng cao cũng chính là những kinh nghiệm gắn bó, sống cùng bà con, lo cái bà con cần, biết "cái bụng" dân bản nghĩ. Khi đã hiểu được "cái bụng" của bà con dân bản thì việc vận động học sinh đến trường giảm rất nhiều gánh nặng và ngược lại học sinh đến lớp chuyên cần là nguồn động viên khích lệ để các thầy cô bám lớp, bám trường. Thầy giáo Phạm Bá Tuyến, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Huổi Só lại có những cách riêng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong giảng dạy. Từ khi lên với Huổi Só, thầy Tuyến mới về quê vào các dịp Tết, còn lại toàn bộ thời gian nghỉ hè đi học nâng cao trình độ chuyên môn và tìm hiểu cuộc sống cũng như giúp học sinh học tập để từ đó gắn bó hơn với trường, lớp, học sinh. "Nhớ nhà lắm nhưng đã theo nghề phải yêu nghề thôi" - thầy Tuyến bộc bạch.
Sự thành công trong mỗi giờ lên lớp của các thầy giáo, cô giáo vùng cao còn có sự giúp đỡ của người dân. Cô giáo Bàn Thị Khiết ở bản Pê Giăng Ky thông qua công tác "dân vận" đã được dân bản cử một người cao tuổi thông thạo tiếng phổ thông làm "phiên dịch" cho lớp học. Bên cạnh đó, khi họp phụ huynh, cô giáo Khiết luôn nhận được sự giúp đỡ của trưởng bản Phàn A Len "phiên dịch" các chủ trương của trường, của lớp để bà con hiểu "cái bụng" của cô giáo mà vận động các cháu đi học chuyên cần.
Không chỉ có sự nỗ lực của mỗi thầy giáo, cô giáo, mà sự vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục tỉnh Ðiện Biên và toàn xã hội phần nào giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn trong dạy học và ổn định cuộc sống của các thầy giáo, cô giáo. Theo Giám đốc Sở GD và ÐT Ðiện Biên Lê Văn Quý, trong giai đoạn 2006-2010, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư giúp hệ thống GD và ÐT Ðiện Biên hơn 210 tỷ đồng, trong đó ủng hộ hơn 14 nghìn m2 đất, gần 170 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, hơn 22 tỷ đồng mua đồ dùng thiết bị... góp phần quan trọng giảm bớt những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học cho giáo viên, học sinh vùng cao.
Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, cuối năm 2010, tỉnh Ðiện Biên đã phê duyệt kế hoạch đầu tư 141 dự án có quy mô 1.138 phòng học và 893 phòng công vụ giáo viên với tổng mức đầu tư khoảng 667 tỷ đồng đang mở ra triển vọng khắc phục những khó khăn giúp các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học. Mặt khác, công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cũng được ngành GD và ÐT tỉnh Ðiện Biên chú trọng. Vì vậy, gần 14 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đều yên tâm công tác. Nhiều thầy giáo, cô giáo xác định gắn bó lâu dài với các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn góp phần từng bước thúc đẩy giáo dục ở các vùng khó khăn của tỉnh Ðiện Biên vươn lên.
(Theo Nhandan.org.vn)