Anh Bùi Đức Triệu, Phó phòng Văn hóa & thông tin huyện chia sẻ: Trong điều kiện có thể, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể hữu quan từng bước có các chương trình, hoạt động nhằm bảo vệ, giữ gìn nét đẹp văn hóa Mường... Điều mà nhạc sĩ nghiệp dư này nhắc đến chính là nhiều xã, xóm đã khơi dậy một số lễ hội truyền thống, dẫu còn tính chất nhỏ lẻ (như lễ hội xuống đồng ở Cao Răm, lễ hội cầu mùa ở xóm Cời (Tân Vinh); đẩy mạnh phong trào VH-VN ở cơ sở; lấy các đội văn nghệ là nhân tố tuyên truyền, khơi lại nét đẹp truyền thống của trang phục, dân ca Mường. Hàng năm, vào các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật của huyện, nhiều tiêu chí được đưa ra, trong đó, yếu tố bản sắc văn hóa (qua các tiết mục, trang phục của diễn viên được tính là “phần cứng” trong chấm điểm). Mặt khác, ngành đã phối hợp với một số nghệ nhân, tiêu biểu như Nguyễn Thị Hình (xã Lâm Sơn) đến cơ sở tập huấn cồng chiêng cho các đội văn nghệ. Đặc biệt, ngành và các xã, thị trấn đã biết khai thác tốt ưu thế của nhà văn hóa (NVH) thôn, bản là nơi giao lưu, trình diễn, thể hiện các giá trị văn nghệ, dân gian Mường (hát dân ca, trình tấu cồng chiêng). Trong số trên 100 đội văn nghệ ở thôn, bản, nhiều đội văn nghệ ở cơ sở đã miệt mài sưu tầm, tập luyện và đưa đến cộng đồng những chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Tiêu biểu như đội văn nghệ xóm Cời, Đồng Tiến (xã Tân Vinh); xóm Đồng Bưng (xã Nhuận Trạch), đội văn nghệ thị trấn Lương Sơn... Trên địa bàn đã có trên 20 bộ cồng được phục chế qua phiên bản cũ; góp phần vào xây dựng các tiết mục, trình tấu trong các chương trình văn nghệ ở cơ sở. Cũng từ phong trào VH-VN cơ sở, các làn điệu dân ca Mường (hát ví, rằng thường), các điệu cồng (như Bông trắng bông vàng, bài đi đường) được chuyển tải đến cộng đồng dân cư, nhất là lớp trẻ.
Từ đời sống sinh hoạt văn hóa ở các NVH thôn, bản (176 NVH), hoạt động của các đội văn nghệ cơ sở, khơi lại mạch cồng chiêng, hát dân ca trong đời sống của người Mường. Đồng thời, nhiều nét văn hóa đã được gây dựng như trang phục phụ nữ Mường đã có đời sống riêng của nó (được trưng dụng nhiều hơn trong dịp lễ, kỷ niệm, hội diễn); các lễ hội đã đánh thức được ý niệm về truyền thống... Năm 2011, huyện đã tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng và hát dân ca toàn tỉnh và đoạt giải C toàn đoàn. Tại các hoạt động VH-VN do tỉnh tổ chức chào mừng sự kiện 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và lễ hội cồng chiêng vừa qua, Lương Sơn đã không quá “thua chị, kém em” khi xây dựng được một chương trình trình tấu cồng chiêng khá đặc sắc và đoạt giải nhì toàn đoàn. Nhiều tiết mục đã được đánh giá cao như: bài Cồng cổ Mường Cời (Tân Vinh), màn múa hát được đệm bằng cồng chiêng Hội còn xuân)... Đây cũng là tiền đề để ngành Văn hóa huyện đang khao khát với ý tưởng: làm sao có thể thành lập được một số CLB cồng chiêng, CLB đàn hát dân ca Mường trong tương lai; từng bước khơi lại các tập tục, sinh hoạt văn hóa một thời?!
Nhìn tổng thể, những cố gắng, nỗ lực đó cũng chưa tạo được hiệu ứng tốt trong cuộc sống thường ngày. Khi đến các xóm làng người Mường, dù ở Tân Vinh, hay Cao Răm, dấu xưa, nét văn hóa Mường đã phai nhạt nhiều (ở xóm Sáng, xã Cao Răm còn có 1 NVH mô phỏng theo ngôi nhà sàn Mường). Nhưng để duy trì nét bản sắc văn hóa, khôi phục những giá trị truyền thống cần có cả một chương trình, đề án tổng thể. Nếu không, 10-15 năm nữa, vào một xóm, bản của đồng bào Mường, không nhận ra nét Mường nữa; trong khi đồng bào Mường ở Lương Sơn chiếm khoảng 70% dân số. Hình ảnh đẹp trong câu hát của một nhạc sĩ Lương Sơn sẽ chỉ còn lại hoài niệm trong ký ức của những người có tuổi, còn lớp trẻ ngạc nhiên vì xa lạ “Hội xuân, hội còn xuân trai gái đất Mường vui hội còn xuân... nhịp tiếng cồng, tiếng chiêng hòa theo tiếng hát ngân vang...”.
Huy Quang (Nguồn: Báo Hòa Bình)