Hà Giang xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

03:30 AM 16/12/2011 |   Lượt xem: 2244 |   In bài viết | 
Phương châm chỉ đạo của tỉnh là: "Dễ làm trước, khó làm sau; tốn ít tiền làm trước, tốn nhiều tiền làm sau". Năm 2012, Hà Giang đặt mục tiêu: hoàn thành công tác quy hoạch chung của tất cả 177 xã nông thôn mới (NTM); xây dựng quy hoạch chi tiết 40 xã điểm NTM. Lựa chọn 11 xã của 11 huyện, thành phố để thực hiện thí điểm một số nội dung XDNTM. Năm 2012, tỉnh phấn đấu xây dựng hoàn thành một xã NTM; đồng thời, tập trung làm 120 km  đường giao thông nông thôn; công trình vệ sinh 2.500 hộ gia đình,...

Năm 2011, trong 40 xã điểm được lựa chọn XDNTM, đã có bốn xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí; 30 xã còn lại đạt dưới năm tiêu chí. Năm 2011, Hà Giang có cơ chế hỗ trợ 11 nghìn tấn xi-măng làm đường liên thôn, liên gia; hệ thống kênh mương nội đồng; công trình vệ sinh hộ gia đình; bể nước; di chuyển chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà ở...

 Tỉnh Ðác Lắc chủ trương chuyển diện tích cà-phê hết chu kỳ kinh doanh, không chủ động được nguồn nước tưới và  vườn tạp kém hiệu quả kinh tế sang trồng ca-cao. Tỉnh phấn đấu trồng mới thêm bốn nghìn ha để đến năm 2015 nâng tổng diện tích ca-cao trên địa bàn lên hơn sáu nghìn ha, trong đó, có hai nghìn ha ca cao đưa vào kinh doanh cho thu hoạch.

Diện tích ca-cao trồng mới này tập trung ở các công ty cà-phê (Tổng công ty cà-phê Việt Nam), các công ty lâm nghiệp, công ty cà-phê thuộc tỉnh nằm trên địa bàn các huyện Ma Ð’Rắc, Ea Kar, Lắc, Krông Bông, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Pắc, Krông Ana. Tỉnh cũng hình thành các vùng sản xuất ca-cao tập trung liền lô, liền vùng (do chuyển từ các lô, vùng cà-phê sang) thuận lợi trong việc canh tác, quản lý, bảo vệ. Tỉnh trích ngân sách mười tỷ đồng hỗ trợ một phần cây giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển cây ca-cao. Ðối với các doanh nghiệp cà-phê, tỉnh hỗ trợ 25% số tiền mua cây giống ca-cao ghép để trồng mới hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả sang trồng ca-cao. Ðối với các hộ gia đình đồng bào các dân tộc, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống ca-cao ghép hoặc chuyển đổi từ cây trồng khác không hiệu quả sang trồng  cây ca-cao. Tỉnh cũng hỗ trợ 30% lãi suất ngân hàng đối với các hộ gia đình vay vốn để trồng cây ca-cao, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá  ba năm kể từ khi bắt đầu trồng mới.

Tỉnh đã hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật để hướng dẫn đồng bào các dân tộc kỹ thuật thâm canh cây ca-cao theo từng vùng sinh thái, bao gồm cơ cấu giống, kỹ thuật chăm sóc, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến, bảo quản... Các đơn vị thu mua ca-cao mở các đại lý thu mua tận cơ sở.

TTXVN