Nghệ An khắc phục tình trạng học sinh miền núi bỏ học
09:14 AM 27/03/2012 | Lượt xem: 2651 In bài viết |Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Nghệ An, từ đầu năm học đến tháng 3-2012, số học sinh bỏ học trên địa bàn hơn 870 em, trong đó cấp tiểu học 17 em, cấp THCS 446 em, cấp THPT gần 410 em. Học sinh bỏ học giữa chừng phần lớn thuộc hai cấp THCS và THPT ở các huyện miền núi rẻo cao. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm trước đây là điều đáng báo động đối với ngành GD và ÐT Nghệ An.
Cách trung tâm huyện hơn 40 km, mất gần hai giờ đồng hồ đi ô-tô mới đến được Trường THCS Nga My, xã heo hút cực bắc của huyện miền núi cao Tương Dương. Trường THCS Nga My là trường cụm của hai xã Nga My và Xiêng My. Tại đây Hiệu trưởng Trần Nhật Giang cho biết: Năm học trước, trường có 42 học sinh bỏ học, tích cực vận động chỉ có hai em trở lại học. Sau Tết Nhâm Thìn 2012, lại có đến 12 học sinh bỏ học. Bản tái định cư của thủy điện Bản Vẽ của dân tộc Ơ Ðu Văng Môn mới đây cũng có hai học sinh THCS bỏ học. Trường THCS xã Yên Thắng, ra Tết đến nay cũng có nhiều trường hợp học sinh đã không trở lại lớp. Ðầu năm Nhâm Thìn, ở Trường THCS Lưu Kiền nằm gần tuyến quốc lộ 7 có tới 15 học sinh bỏ học, nhiều nhất ở bản Xoóng Con có năm em. Hiệu trưởng Ðinh Xuân Hồng cho biết, khi giáo viên tìm đến cha mẹ học sinh vận động cho các em trở lại lớp, thì cha mẹ các em chỉ hứa sẽ khuyên bảo, nhưng cũng chỉ được một em trở lại học bổ túc văn hóa.
Ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn, số học sinh bỏ học cũng không thua kém các huyện ở vùng thấp hơn, số học sinh bỏ học nhiều chủ yếu là học sinh dân tộc Khơ Mú, Mông ở vùng biên giới, đặc biệt khó khăn.
Trở xuống huyện Con Cuông đến xã Lục Dạ, nơi có hơn 90% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát, nơi có số học sinh bỏ học và có nguy cơ bỏ học nhiều nhất huyện. Theo Chủ tịch UBND xã Lô Văn Nhung và Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lục Dạ Cao Chí Thanh cho biết: Sau Tết Nguyên đán đến nay đã có 26 em học sinh từ lớp sáu đến lớp chín bỏ học. Trong đó sáu em bỏ học vào miền nam làm ăn, còn lại 20 em đang ở nhà. Bản Khe Mọi, Lục Sơn và bản Hua Nà có số học sinh bỏ học nhiều nhất. Ðáng chú ý là bản Khe Mọi, dù trường học đã được xây dựng khang trang, học sinh còn được Nhà nước lo cho ăn ở nội trú, nhưng vẫn có sáu em bỏ học, cao nhất xã. Nhà trường đã phối hợp chính quyền địa phương vận động gia đình, đã có tám em trở lại lớp học.
Theo điều tra, thống kê, báo cáo của Phòng GDÐT huyện Con Cuông, tình trạng học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện bỏ học diễn ra từ nhiều năm nay. Năm học 2009 - 2010 có 118 em, trong đó chủ yếu là học sinh THCS. Năm học 2010 - 2011, phòng chỉ đạo các trường tích cực vận động nên giảm xuống 54 em. Năm học 2011 - 2012, đến cuối tháng 3 này lại tăng lên với con số 63 em bỏ học, nguy cơ có thể lên đến hơn 100 học sinh THCS tiếp tục bỏ học. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo Phan Anh Tài thì đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nếu không sẽ không giữ được phổ cập THCS.
Tình trạng học sinh các cấp học ở vùng miền núi bỏ học ngày một tăng có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do trình độ nhận thức về công tác giáo dục ở vùng miền núi chưa cao; mặt khác do địa bàn miền núi phức tạp, nhiều nơi học sinh cấp THCS đều ở xa điểm trường, có nơi hằng ngày đường đi bộ giao thông không thuận lợi, khó khăn trong việc bố trí cơ cấu trường lớp, trong lúc đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nhiều trường do không có kinh phí đầu tư xây dựng nhà nội trú cho học sinh. Một số chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn chưa kịp thời... Theo báo cáo của Phòng GD và ÐT huyện Con Cuông, nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên sau Tết Nguyên đán, nhiều em có sức khỏe đã bỏ học theo anh chị vào miền nam làm ăn, hoặc đi khai thác quặng, lâm sản... Theo Bí thư Chi bộ bản Huồi Mọi, xã Lục Dạ Lộc Văn Phương thì, học sinh bỏ học do cha mẹ thiếu quan tâm dẫn đến lực học yếu, không tiếp thu được bài, các em chán nản. Bà La Thị Thanh, dân tộc Ðan Lai ở bản Huồi Mọi, phụ huynh của em Vi Văn Nọi, học sinh lớp 7, một trong những học sinh thuộc diện đang có nguy cơ bỏ học cho biết: Gia đình có bốn con thì hai con học lên lớp 8 đều bỏ để đi làm thuê. Nọi là con thứ ba trong gia đình, thời gian gần đây thấy hôm đi hôm không, rồi cũng bỏ học giữa chừng như hai anh.
Thời gian qua, mặc dù các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tích cực phối hợp chính quyền địa phương, gia đình vận động, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa cao. Thời gian tới cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, xây dựng khu nội trú khang trang cho giáo viên, học sinh. Ngành giáo dục cần nghiên cứu sắp xếp bố trí lại hệ thống trường lớp ở những vùng dân cư xa điểm trường. Ðiều cốt lõi nhất vẫn là Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn... Tuy nhiên, đã thấy rõ nguyên nhân và đề ra một số giải pháp ngăn chặn học sinh miền núi bỏ học, nhưng hiện nay trên thực tế, học sinh bỏ học vẫn ngày một gia tăng. Ðó là một thực trạng các cơ quan chức năng cần quan tâm.
(Theo Nhandan.org)