Lẽ sống của già Pâng
12:37 PM 05/04/2012 | Lượt xem: 1698 In bài viết |Mấy chục năm nay tiếng đàn, tiếng sáo vẫn réo rắt ngân vang trong căn nhà nhỏ nằm lưng chừng dốc thôn Aduông 1, thị trấn P'rao, huyện Đông Giang (Quảng Nam). Già Atinh Pâng, chủ nhân “căn nhà âm nhạc” ấy nay đã thất thập, nhưng cái tay chơi đàn, cái miệng thổi sáo vẫn chưa ngơi nghỉ. Không những là “bảo tàng sống” về âm nhạc Cơ tu, già Pâng còn được biết đến khi hiến hơn 1ha đất làm khu tái định cư cho đồng bào.
Giữ hồn văn hóa Cơtu
Đến thị trấn P’rao, hỏi thăm nhà già Pâng, ai cũng biết đến ông già Cơtu có chòm râu bạc trắng, hay chơi đàn, thổi sáo tại nhà Gươl (Nhà cộng đồng của người Cơtu). Bởi ngoài tài chơi và làm được tất cả các nhạc cụ truyền thống, già Pâng còn là người hiếm hoi thuộc và nhớ được hầu hết những lời hát nói, hát lý, những làn điệu dân ca của người Cơtu. Trong ký ức của già, những tiếng đàn, tiếng sáo, những câu hát lý đã “ngấm” vào người khi còn bé theo chân già làng đi khắp bản. Mới chín, mười tuổi ông đã được cha ông truyền dạy cho cách chơi đàn, thổi sáo. Rồi dần dà ông bắt chước ama (cha), adây (ông) làm đàn Abel, làm sáo Aluốt, tập chơi, tập thổi những làn điệu dân ca.
“Hồi đó, đi đâu cũng giắt theo cây sáo, cây tiêu, rảnh rỗi lại làm đàn, làm khèn. Đi với ama, với già làng, dần dần thuộc luôn lời hát, câu hát. Thích thì bắt chước, chứ không ai bày dạy đâu. Lâu dần thành quen, thành nhớ đến giờ”- già Pâng cười chia sẻ.
Cũng nhờ tài chơi đàn, chơi nhạc cụ, mà già Pâng lấy được người vợ, là một nữ văn công người Cơtu xinh đẹp nhất vùng thời đó. Chuyện tình của già Pâng, nhờ cây đàn, tiếng sáo, nay vẫn như là một cổ tích giữa đại ngàn mà ông thường kể cho con, cháu nghe.
Bây giờ, trong làng, hầu như chỉ còn già Pâng là còn thông thạo được cách làm nhạc cụ, có thể làm tất cả các nhạc cụ truyền thống của người Cơtu như đàn, sáo, ống tiêu, tù và. Cũng chỉ có ông biết chế tác những bộ phận rất khó của nhạc cụ như cái “lưỡi gà” của tù và (Câ’rl zool), được làm từ cuống cây tà vạc, chẻ ra rất mỏng, phơi sương, rồi mới đem sấy cho khô, hay lấy vảy con tê tê, nhựa ong, sáp ong để làm đàn Abel.
Trong mỗi dịp cúng tế của làng, hay ma chay, cưới hỏi, cũng chỉ có ông còn thuộc được những lời hát lý, nói lý. Già Pâng trăn trở “Bây người Cơtu ít ai nhớ, ai thuộc câu hát lý, nói lý, người làm được nhạc cụ cũng ít lắm. Làng này chỉ có mình tôi là làm được. Nhưng không ai chịu học, không ai chịu hỏi. Mấy đứa con trong nhà cũng không ham như tôi ngày trước, buồn lắm”.
Nói vậy, nhưng bất kỳ dịp hội, dịp lễ nào của làng, ông cũng đều gói gém nhạc cụ, lặn lội mang đi chơi, đi hát. Lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống hay những dịp văn nghệ của thị trấn, của huyện, được mời ông đều nhiệt tình tham gia. “Còn sống ngày nào thì vừa chơi nhạc cụ, vừa chỉ dạy cho con cháu nó nhớ. Sau này mình mất, còn có người biết chơi nhạc cụ của người Cơtu, biết hát lời hát của người Cơtu chứ”, già Pâng tâm sự.
Già làng hiến đất
Không những bảo tồn, giữ gìn những giá trị âm nhạc của người Cơtu, già Pâng còn làm nên “kỳ tích” mà không phải ai cũng làm được: Hiến hơn một hecta đất để làm khu tái định cư. Trên phần đất già Pâng đã hiến “cho Nhà nước”, còn có một căn nhà xây kiên cố và hàng trăm gốc cây ăn quả đã đến tuổi thu hoạch, già sẵn sàng đập bỏ mà không đòi hỏi một đồng tiền đền bù nào.
Kể về chuyện hiến đất của mình, già Pâng chỉ cười: “Mình là người Cơtu, mình hiến đất cho đồng bào Cơtu mình có cái chỗ để ở, cái ruộng để trồng lúa. Không cần tiền đền bù đâu. Bà con họ biết cái bụng mình tốt, họ quý cái đất mình cho là được rồi”.
70 tuổi đời, 33 năm tuổi Đảng, tham gia lực lượng du kích tại chỗ trong chiến tranh, đến thời bình già Pâng lại hăng hái hưởng ứng những chủ trương, chính sách của Nhà nước. Hiểu được cái đúng, cái tốt của những chính sách của Nhà nước, già Pâng lại đi tuyên truyền, giải thích cho bà con dân bản nghe theo.
Năm 2009, khi UBND huyện chủ trương xây dựng khu tái định cư cho đồng bào thôn Aduông 1, ông là người đầu tiên đập bỏ căn nhà xây, tình nguyện nhường đất để làm khu tái định cư. Ông còn vận động nhân dân cho đất, hiến vườn để “Nhà nước làm tái định cư cho bà con”.
Nhờ uy tín của già Pâng, nhiều gia đình cũng hiến tặng một phần đất của mình, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình có chỗ ở, có đất vườn để canh tác. Anh Alăng Đức, có nhà và vườn dựng trên phần đất của già Pâng hiến tặng cho biết: “Hồi xưa nhà mình ở bên kia đồi, vừa xa lại bị sạt lở, năm nào cũng phải dời nhà. Nhờ có già Pâng cho đất, mà nhà mình được về ở khu tái định cư, có nhà, có vườn để ở. Cái bụng mình mang ơn già Pâng nhiều lắm”.
Ông Huỳnh Văn Tân, Phó chủ tịch thị trấn Prao cho biết: “Già Pâng là một trong những tấm gương điển hình già làng tiêu biểu của huyện. Già Pâng là Bí thư chi bộ của thôn, nhờ uy tín già Pâng mà việc tuyên truyền, giải thích những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thuận lợi, đạt hiệu quả rất cao. Hiện, UBND thị trấn đang đề nghị trao tặng bằng khen cho già Pâng vì những cống hiến của ông đối với công tác của huyện”.
(Theo Nhandan.org)