Đồng bào Chăm An Giang vui đón tết Roya
08:13 AM 10/09/2012 | Lượt xem: 2001 In bài viết |Năm nay, đồng bào Chăm tỉnh An Giang đón tết Roya vui vẻ, phấn khởi, bởi thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào ngày càng sung túc, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,6%. Vui nhất là phong tục nhịn ăn trong tháng ăn chay Ramadan - 2012 để làm công tác xã hội từ thiện, đã đạt đến vài trăm triệu đồng.
Roya là tết truyền thống của đồng bào
dân tộc Chăm, diễn ra trong 10 ngày (ngay sau khi kết thúc tháng ăn chay Ramadam
từ 1 - 31/8/2012). Trong các ngày này, đồng bào mổ bò để chia sẻ với đồng bào
quanh xóm ấp; đến thăm ông bà, họ tộc và vui chơi. Đặc biệt, các gia đình có con
lớn cũng tranh thủ gả cưới. Theo họ, đây là thời điểm tốt nhất trong năm, con
cháu sau khi có gia đình sẽ gặp được nhiều may mắn, an lành nhất cho cuộc sống
sau này. Tranh thủ mùa lễ tết Roya năm nay, các địa phương có đồng bào sinh sống
đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, giao lưu, tạo
điều kiện để bà con dân tộc Chăm trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong
cuộc sống. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang còn kết hợp với
địa phương tổ chức “Lễ hội Văn hóa, Thể thao - Du lịch Chăm” (tại huyện Châu
Thành); “Liên hoan Mùa nước nổi Búng Bình Thiên lần thứ VII - 2012” (huyện An
Phú)…
Được biết, tỉnh An Giang hiện có 3.052 hộ với 14.784 nhân khẩu là
đồng bào Chăm, chiếm 0,66% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại 9 xóm ấp, thuộc 5
huyện, thị: Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, nhiều nhất là huyện An Phú và thị xã
Tân Châu. Cộng đồng Chăm An Giang được hình thành từ hơn 200 năm nay, sinh sống
chủ yếu bằng mua bán, dệt lụa thổ cẩm truyền thống, chăn nuôi gia súc và nột số
ít làm nông nghiệp. Đồng bào Chăm An Giang cần cù, chịu khó, chăm học chăm làm,
đặc biệt là thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần phong tục cấm cung đối với phụ nữ,
cho phép tiếp cận với xã hội. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, con em
đồng bào Chăm đều được đến trường, được tỉnh ưu đãi về học phí... Hiện An Giang
đang triển khai xây dựng trường Nội trú dân tộc Chăm, Khmer tại thị xã Châu Đốc,
với tổng kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách
tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường.
Bên cạnh đó, tỉnh còn dành nhiều nguồn vốn ngân sách đầu tư đường,
trường, trạm, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, gắn với
khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có. Tỉnh đã xây dựng “Trung
tâm thông tin du lịch cộng đồng” tại thị xã Tân Châu để giới thiệu sản phẩm
truyền thống: thổ cẩm, lụa mỹ a độc đáo của đồng bào đã có từ hơn 100 năm, với
phong phú mẫu mã, chủng loại như trang phục ngày lễ, lễ cưới, áo thêu, đồ cúng
Bakana, khăn rua Mattơra, khăn Thuôl…, có họa tiết, hoa văn bắt mắt, thu hút
được người tiêu dùng, nhất là du khách quốc tế, Việt kiều. Nhiều sản phẩn của
đồng bào Chăm An Giang đã được tiêu thụ mạnh, có mặt tại các khu, điểm du lịch
trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước Trung Đông, Pháp, Mỹ… tạo được việc làm,
thu nhập ổn định cho đồng bào. Năm nay, tỉnh còn đầu tư xây dựng 2 cụm tuyến dân
cư mới với diện tích trên 3 ha, giải quyết nền nhà cho 177 hộ đồng bào Chăm có
chỗ ở ổn định…
Song song với đầu tư cho sinh hoạt, an sinh xã hội, tỉnh
còn hình thành và duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Tại mỗi xóm,
ấp Chăm đều lập đội bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, đội văn nghệ và hỗ trợ
kinh phí tổ chức thi đấu hàng năm. Theo ông Nguyễn Văn Khên - Phó Chủ tịch UBND
huyện An phú, các đội không chỉ thi đấu giao lưu trong đồng bào Chăm, mà còn
tham gia cùng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống trên địa bàn, tạo được
mối đoàn kết các dân tộc, chung tay xây dựng địa bàn an ninh trật tự, địa phương
phát triển. Tỉnh An Giang còn đầu tư thành lập trên 10 tủ sách tại các xóm, ấp
Chăm và Thánh đường… phục vụ tốt nhất đời sống vật chất và tinh thần cho đồng
bào Chăm An Giang./.
(Theo Dangcongsan.vn)