Độc đáo kiến trúc ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá
04:18 AM 26/11/2012 | Lượt xem: 5013 In bài viết |Hà Giang - mảnh đất biên giới cực Bắc của Tổ quốc là nơi có Cột cờ Lũng Cú hiên ngang và Cao nguyên đá Đồng Văn với những dãy núi đá tai mèo trập trùng. Nơi đây còn lưu giữ văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào 22 dân tộc. Người Mông chiếm phần đông nhất trong số các dân tộc làm ăn sinh sống từ bao đời nay trên vùng cao nguyên cực Bắc.
Nói đến văn hóa của các dân tộc trên
vùng cao nguyên đá, trước hết phải nói đến văn hóa người Mông. Nói đến văn hóa
người Mông là nói đến kiến trúc ngôi nhà truyền thống, bởi đây là thước đo không
chỉ đánh giá sự giàu có, mà còn là căn cứ để xác định đâu là người Mông cư trú
lâu nhất vùng.
Theo ông Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch Hà Giang, người gắn bó suốt đời với các hoạt động nghiên cứu về
dân tộc Mông cho biết: Dân tộc Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người với 2 nhóm
chính là Mông trắng và Mông hoa, chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh; sinh sống đông
nhất ở 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ. Với môi trường sống ở trên các sườn
núi cao, khí hậu lạnh khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của
dân tộc này. Từ quan niệm sống, môi trường đã hình thành nên nét độc đáo trong
văn hóa kiến trúc của ngôi nhà trình, tường bằng đất, lợp ngói hay tranh là phù
hợp nhất, với ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể
chống được kẻ gian, thú dữ.
Nét độc đáo trong kiến trúc ngôi nhà của
người Mông tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có 3
gian 2 cửa (gồm một cửa chính, một cửa phụ và tối thiểu là 2 cửa sổ). Ngôi nhà
có thể có một hoặc 2 chái nhà, nhưng đều không liên quan trực tiếp đến 3 gian
nhà chính. Ba gian nhà chính của người Mông được sắp xếp như sau: Gian bên trái
dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng
để đặt bếp sưởi và giường khách; gian giữa thường rộng hơn 2 gian bên và là gian
để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình.
Trong gia đình người Mông, phòng ngủ
của vợ chồng, con cái được bố trí riêng. Người Mông thường ngủ bằng phản gỗ hoặc
giát bằng tre mai đập giập. Tập tục của người Mông rất khắt khe, nơi ngủ của
con, em dâu thì bố, anh chồng không được vào và ngược lại con, em dâu không được
phép vào nơi ngủ của bố chồng, anh chồng. Nhà của người Mông bao giờ cũng có sàn
gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm; ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch
về được cất lên gác, khói bếp sẽ hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc. Ngoài ra, sàn gác
còn có thể làm nơi ngủ mỗi khi nhà đông khách. Điều đặc biệt là đàn bà, con gái
không được phép ngủ trên gác. Bởi thế kể cả khi cha mẹ chồng, con trai trong nhà
đi vắng thì con dâu cũng không được lên gác; nếu muốn lấy vật gì trên gác cũng
không được trèo thẳng lên mà chỉ được phép dứng ở bậc thang rồi lấy que khều.
Trong văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, các ngôi nhà không được
dính sát vào nhau, kể cả anh em ruột thịt. Người Mông quan niệm khi làm ma tươi
cho người chết, người ta có tục lệ thổi khèn, kèn, tù và, vác nỏ đi vòng quanh
nhà 3 lần đi, 5 lượt về (đối với nam giới), 5 lượt đi và 7 lượt về (đối với nữ
giới) để xua đuổi các loại ma đói, ma yểu khỏi về quấy rầy người chết. Chính vì
vậy, người Mông cho rằng nếu làm nhà dính vào nhau, khi nhà có tang ma sẽ không
tiến hành được nghi lễ trên thì coi như đám ma ấy không làm đúng luật lệ tổ tiên
đã quy định, không đảm bảo cho người chết được yên ổn trong cõi vĩnh hằng.
Đồng bào dân tộc Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà. Sau khi chọn
được đất tốt, đất lành, người ta tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà.
Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc Mông tiến hành khá công phu với
một số quy định như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình tường, nhất
là phụ nữ. Để trình tường nhà, bà con phải làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài
1,5 m, rộng 0,45 m - 0,5 m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy khuôn gỗ, dùng
những chiếc vồ nền chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được loại bỏ sạch rễ
cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, người ta huy động vài chục thanh
niên trai tráng trong làng đến giúp; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp khuôn kia cho
đến khi hoàn thành. Sau khi trình tường xong, gia chủ sẽ tiến hành chọn ngày
tốt, hợp với tuổi chủ nhà mới được vào rừng chặt hạ cây cột cái, cây đòn nóc.
Trước khi chặt cây phải thắp 3 nén hương; tiếp đó, cắm 3 tờ giấy bản vào
gốc cây khấn thần rừng, thần cây cho xin cây gỗ về làm nhà. Họ quan niệm rằng
làm như thế thần cây, thần rừng không quở mắng và nhà cửa mới yên vui, mọi người
khỏe mạnh, ăn nên làm ra, gia đình hạnh phúc. Chọn được ngày chặt cây, cây cột
cái được gia chủ chặt xong đem thẳng từ rừng về, không được đặt xuống đất mà
phải đưa lên nóc ngay. Đối với 2 cây cột cái ở gian giữa và cây cái nóc (hay còn
gọi là đòn nóc), người Mông coi 2 cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà thể hiện
sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà, nên cây cột phải là một cây rừng
không bị sâu, thối, cụt ngọn. Hai cây cột này còn có một vị trí rất quan trọng
trong đời sống tâm linh của người Mông. Cửa chính ra vào nhà của người Mông cũng
phải chọn gỗ tốt để làm. Cửa bao giờ cũng được mở vào phía trong. Cửa không cài
bằng then sắt mà phải cài bằng then gỗ. Người Mông quan niệm không sử dụng bản
lề, then cửa bằng sắt là vì cửa mở ra đóng vào được xem là lòng bụng con người,
nếu dùng các vật dụng bằng sắt thì sẽ lạnh, nên tất cả các ngôi nhà của người
Mông luôn sử dụng sự mềm mại của cây rừng.
Một nét độc đáo nữa trong cấu
trúc nhà truyền thống của người Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá
xung quanh vô cùng chắc chắn. Để có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi
nhà và mảnh đất rộng chừng 200 - 300 m2, gia chủ cùng với người thân phải mất
hàng tháng trời nhặt những mảnh đá vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những
viên đá có kích cỡ khác nhau với nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên
bức tường bao kiên cố, phẳng mà không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng
gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang
điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh mùa đông ở Cao nguyên đá.
Nếu có
dịp lên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp
của Cao nguyên hùng vĩ và những ngôi nhà người Mông xinh xắn. Người Mông làm nhà
dựa lưng vào núi; mỗi bản thường có từ vài ba nóc nhà trở lên, có bản chỉ có một
dòng họ hoặc nhiều dòng họ chung sống quây quần bên nhau trên một sườn núi. Đặc
biệt, đối với người Mông, hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây đào, cây mận,
cây lê. Hình ảnh mùa xuân với hoa đào nở đỏ, hoa lê trắng bên những bức rào đá
tựa như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Bên trong hàng rào đá là một đời sống
sinh hoạt hết sức ấm cúng của các gia đình người Mông. Từ thực tế này, nhà văn
Đỗ Bích Thúy đã viết tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" và đạo diễn Đỗ Quang
Hải đã chuyển thể thành bộ phim "Chuyện của Pao" giàu chất thơ, đậm tình người,
ngập tràn cảm xúc về cuộc đời chân thật của một cô gái người Mông tên Pao.
Trải qua hàng thế kỷ, người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn ở Hà Giang
ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho
phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà
vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân
tộc./.
(Theo TTXVN)