Dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên ở Tây Nguyên
03:46 AM 12/12/2012 | Lượt xem: 2002 In bài viết |Thời gian qua, tổ chức Ðoàn thanh niên cùng các cấp, các ngành ở Ðác Lắc đã chủ động tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số tùy theo hoàn cảnh, điều kiện từng vùng. Bên cạnh đó, việc về tận các xã để đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một nội dung quan trọng, rất được thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mong đợi.
Nỗ lực của tổ chức Ðoàn Thanh niên
Từ vốn vay do Ðoàn Thanh niên hỗ trợ, nữ đoàn viên H’Thúy (sinh năm 1987, tổ dân phố Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã rất thành công với mô hình trồng rau sạch. Trước đây, kinh tế gia đình H’Thúy chỉ phụ thuộc mấy sào ruộng trồng lúa và rau theo thời vụ nên rất khó khăn. Năm 2008, sau khi được tham gia lớp tập huấn về mô hình phát triển kinh tế nông thôn do Ðoàn Thanh niên tổ chức, H’Thúy đăng ký mô hình rau sạch và được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà lưới 620 m2 trồng những loại rau ngắn ngày như cải, cà rốt, ngò, hành, su hào, xà lách... Sản phẩm thu hoạch không sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại nên được, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Phấn khởi với những kết quả đạt được, H’Thúy truyền kinh nghiệm cho bà con chung quanh vừa hướng dẫn thanh niên ở xã Quỳnh Tân, Quảng Ðiền, Dur Kmăn tham gia trồng rau sạch. Giống như H’Thúy, với sức trẻ, quyết không cam chịu đói nghèo, lạc hậu cộng với sự trợ sức của tổ chức đoàn về việc vay vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật (KH-KT), nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Ðác Lắc đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Ðược biết, trong 5 năm qua, thông qua các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, vay sản xuất, kinh doanh, Tỉnh đoàn Ðác Lắc đã hỗ trợ gần 18 nghìn hộ thanh niên nghèo vay gần 220 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, khôi phục nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn thanh niên nông thôn. Ðồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ KH-KT, tổ chức các lớp tập huấn, điểm trình diễn, tham quan học tập mô hình... Tính riêng trong năm 2011, các cấp Ðoàn, Hội đã phối hợp tổ chức được 30 lớp đào tạo nghề (tin học, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nổ, sửa chữa xe máy, chăn nuôi thú y, trồng trọt,...) cho 1.200 thanh niên tại 15 huyện, thị, thành phố, giải quyết việc làm cho 5.340 thanh niên; tổ chức 105 điểm tư vấn, giới thiệu việc làm cho 30.120 thanh niên nông thôn. Nhờ vậy mà nhiều bạn trẻ đã lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, không chỉ tạo việc làm cho bản thân, gia đình mà còn hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các đoàn viên, thanh niên khác.
Có thể nói, việc Ðoàn Thanh niên giúp các bạn trẻ khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của rất nhiều thanh niên Tây Nguyên. Các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, áp dụng KH-KT vào sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cổ vũ thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Anh Y Vinh Tơr, Bí thư Tỉnh đoàn Ðác Lắc cho biết: Thời gian tới, các cơ sở đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng. Ðồng thời củng cố, nhân rộng các mô hình sản xuất, các kênh cập nhật thông tin thị trường, đưa kiến thức KH-KT tới đông đảo bạn trẻ.
Vượt khó dạy nghề cho thanh niên nghèo
Giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ được tổ chức đoàn quan tâm mà còn thu hút nhiều đơn vị khác tham gia, nhất là đội ngũ giáo viên, cán bộ đoàn thuộc Ðoàn Thanh niên các trường nghề. Chúng tôi đến xã Ea Lê, huyện Ea Súp (Ðác Lắc) và gặp thầy giáo Y Louit Niê đang tận tụy hướng dẫn từng chi tiết máy nổ nông cơ cho 30 học trò, phần lớn là đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số của các thôn, buôn. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, giống như thầy Louit, hàng trăm thầy giáo, cô giáo, cán bộ đoàn thanh niên của các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề ở tỉnh Ðác Lắc, đã không quản ngại khó khăn vất vả, cần mẫn "gùi" nghề về tận buôn làng vùng sâu, vùng xa, truyền đạt cho thanh niên giúp họ có việc làm phù hợp, cải thiện cuộc sống. Anh Y Mai ở buôn Cư Canh, xã Ea Sin (xã vùng 3 của huyện Krông Búc, tỉnh Ðác Lắc) khoe: Năm nay, nhà mình có nhiều cái mới như bàn ghế, ti-vi màn hình lớn... Tất cả là nhờ tiền bán được từ đàn heo, bò đấy. Mình rất biết ơn chính sách dạy nghề của Nhà nước, sự giới thiệu, tuyên truyền về ý nghĩa việc học nghề của tổ chức đoàn đã giúp thanh niên nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương pháp chăn nuôi, thú y để phát huy hiệu quả lợi thế của buôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu...
Hiện Ðác Lắc có hơn 20 cơ sở với hơn 600 thầy giáo, cô giáo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 23 nghìn lao động người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là thanh niên được đào tạo các nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, đan mây tre, dệt thổ cẩm, may dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng... Việc "gùi" nghề về với buôn làng của các thầy giáo, cô giáo đã góp phần tạo điều kiện cho hàng nghìn thanh niên dân tộc thiểu số có nghề, có việc làm, cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập cho gia đình, xã hội.
Hiện nay, vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Ðác Lắc nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều bất cập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chất lượng giáo viên giảng dạy chưa tốt, trang thiết bị dành cho đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kết hợp tốt giữa nhu cầu đào tạo và sản xuất... Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng sau đào tạo chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nhiều trung tâm dạy nghề mở ra không tuyển được người học, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoặc có trung tâm mở được lớp nhưng lúc khai giảng thì đông, sau đó vơi dần, thậm chí có lớp bị giải thể do không còn học viên. Ðối với các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ thì tình trạng thiếu người học càng rõ nét, dù người học ở những vùng này không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào, thậm chí được Nhà nước cung cấp, đài thọ tiền ăn ở, đồ dùng học tập...
Ðể giải quyết bài toán tăng cường giúp thanh niên, người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa học nghề đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng ở Tây Nguyên cần kết hợp giữa việc học văn hóa với đào tạo nghề. Các đoàn thể, trong đó tổ chức Ðoàn Thanh niên cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng để các thanh niên dân tộc thiểu số hiểu rõ về ý nghĩa quan trọng của việc học nghề, từ đó động viên các bạn trẻ đến với các trường nghề để học, tạo nền tảng lập thân, lập nghiệp.
Nguyễn Hồng (Theo Báo Nhân dân)