Síp thoát vỡ nợ: Đâu là bài học?

02:41 AM 27/03/2013 |   Lượt xem: 2295 |   In bài viết | 
<xmp id="9669" contenteditable="false" style="DISPLAY: inline" tabindex="-1">Cấp thời thoát hiểm

Sau khi chính phủ Síp đạt được thỏa thuận với bộ ba chủ nợ quốc tế, dư luận Síp và châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cái giá phải trả không nhỏ.

Theo các nhà phân tích, cái giá nằm ngay trong “Quỹ đầu tư đoàn kết” vừa được Quốc hội Síp thông qua với việc huy động các nguồn tiền như: quỹ hưu trí xã hội, tiền của nhà thờ, tiền quyên góp và kinh phí của Nhà nước để huy động 5,8 tỷ euro. Bên cạnh đó, Síp cũng phải thi hành các biện pháp áp đặt quản lý nhà nước với hoạt động ngân hàng: Kiểm soát và ngăn chặn việc rút vốn ồ ạt tại các ngân hàng.

Theo các chuyên gia, “Quỹ đầu tư đoàn kết” chỉ có ý nghĩa cấp thời, nhằm cho Síp khỏi nguy cơ vỡ nợ (xét về mặt kỹ thuật) và thể hiện phần nào lòng yêu nước (xét về mặt xã hội) của công dân Síp trước thảm họa tài chính của đất nước.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế thì ai cũng biết “cực chẳng đã” Síp mới phải làm vậy, vì xét về trung hạn và dài hạn thì Síp khó lòng mà khôi phục lại được lòng tin của thị trường, nhất là các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư Nga – nhà đầu tư lớn nhất của nước ngoài tại Síp (31 tỷ euro).

Mặt khác, hậu quả của giải pháp là ngay tức thời làm ngưng trệ tất các các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường của Síp và tác động đến cả khu vực Eurozone, nhất là bốn nước có cùng hoàn cảnh nợ công cao như: Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và có thể cả Italia… vì họ cũng quan ngại về kịch bản này có thể xảy ra với nước họ.

Có thể nói, cái mất lớn nhất của Síp là mất niền tin của thị trường và hiệu ứng xấu này đã lan tỏa ra toàn bộ EU và có thể cả thị trường thế giới.

Từ Hy Lạp đến Síp

Nguy cơ vỡ nợ của cả hai nước Hy Lạp và Síp về cơ bản là giống nhau vì đều đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, tỷ lệ nợ công cao và đều phải xin cứu trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, sự khác nhau là ở chỗ:

- Hy Lạp là con nợ của cả ngân hàng và tư nhân trong nước là chủ yếu, thì Síp lại là con nợ của tất cả các nhà băng trong và ngoài nước nhưng nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn hơn. Trong số hơn 68 tỷ euro đang gửi tại Síp, tiền từ nước ngoài chiếm tới 40% và phần lớn là của người Nga.

- Hy Lạp nợ trái phiếu chính phủ là chủ yếu thì Síp lại nợ dưới dạng tiền gửi tại các ngân hàng, nhất là các ngân hàng đầu tư nước ngoài. Và số tiền trong các ngân hàng đã gấp 7,5 lần GDP của Síp.

- Hy Lạp là nước đầu tiên trong Eurozone xin cứu trợ thì nay Síp đã là nước thứ năm (sau Bồ Đào Nha). Trong bối cảnh EU đã có Quỹ cứu trợ khẩn cấp (ESM) nên không chỉ khó khăn về ngân sách mà còn phải chịu sự chi phối ngặt nghèo về kỷ luật tài chính mới của EU.

Như vậy, kịch bản xấu nhất của Síp đã không diễn ra. Tuy nhiên, nhiều khó khăn còn đang ở phía trước. Do niềm tin của thị trường đã suy giảm nghiêm trọng nên vị thế “thiên đường ngân hàng của thế giới” đối với quốc đảo này có thể bị mất và rất có thể vẫn phải nâng trần nợ công, cùng với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế vốn chủ yếu dựa và du lịch và dịch vụ ngân hàng. Síp chỉ có thể khôi phục lại vị thế của mình cùng với sự phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone.

Vòng luẩn quẩn

Nhiều ý kiến cho rằng, châu Âu đang tạo ra một vòng luẩn quẩn khi không có được một giải pháp tổng thể hữu hiệu hơn mà chỉ lo lấp lỗ hổng bằng các khoản cứu trợ kèm theo những điều kiện ngặt nghèo về cắt giảm chi tiêu và hậu quả là làm cho những bất ổn chính trị, xã hội tại các nước này trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo các nhà phân tích, sự luẩn quẩn trong các giải pháp của EU là khó tránh bởi các lý do sau:

- Sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất là Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phục hồi chậm chạp và vẫn có nguy cơ tái khủng hoảng;

- Sự khiếm khuyết của cơ chế “Liên minh tiền tệ”. Cơ chế này không cho phép các thành viên tự cứu mình bằng công cụ tài chính như in hoặc phá giá đồng tiền. EU tuy đã nhận ra và đang hướng tới một “liên minh tài chính - kinh tế” nhưng cơ chế này phải chờ đến 2014 mới có hiệu lực;

- Điều quan trọng hơn là Học thuyết kinh tế “chủ nghĩa tự do mới” mà EU ứng dụng đã không còn phù hợp. Các nhà lãnh đạo EU đã nhận ra và kiến nghị phải “xây dựng lại CNTB điều chỉnh” và “xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu mới” nhưng bắt tay xây dựng lại như thế nào thì vẫn là câu hỏi khó đối với cả EU và các nước trong hệ thống TBCN.

Bài học từ Síp

Tự cứu mình, đúng là vấn đề có tính quy luật, EU cũng đã nhận ra điều này. Tuy nhiên, đối với các nước trong EU thì chỉ có hai con đường: hoặc là chấp nhận để các nước yếu kém rời khỏi Eurozone (Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Síp); hoặc là xây dựng hoàn thiện cơ chế Liên minh tài chính (đây là sự lựa chọn của của EU). Nhưng từ nay đến năm 2014 thì điều gì cũng có thể xảy ra vì nước nào trong liên minh cũng chỉ lo cho bản thân mình khiến cho nguy cơ đổ vỡ của liên minh vẫn luôn hiện hữu.

Đối với Việt Nam, ngay trước khi bùng nổ tại Síp, cũng có chuyên gia đề xuất “đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm, nhất là những ngân hàng liên quan đến bất động sản”. May là bài học này Việt Nam không phải trả học phí và đây cũng là bài học cho các nước trên thế giới khi phải giải quyết bài toán nợ công.

Tuy nhiên, Việt Nam khác Síp ở chỗ chúng ta không bị “trói” bởi cơ chế tài chính, chính phủ vẫn có thể vận dụng linh hoạt các công cụ tài chính trong bài toán nợ công nếu có.

Một bài học lớn hơn rút ra từ Síp và Eurozone là việc xây dựng cơ chế tài chính cho Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Theo đó, quan trọng nhất là việc tìm ra cơ chế vừa phát huy được sức mạnh tính cộng đồng của liên minh vừa phát huy được tính tích cực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên.

Đó là những bài học mà Việt Nam và ASEAN không thể bỏ qua.

Nguyễn Nhâm (Nguồn: Báo Nhân dân)