Quốc tế lo ngại tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
01:42 AM 01/04/2013 | Lượt xem: 2187 In bài viết |Các hoạt động của Triều Tiên nhằm đáp trả việc Mỹ đưa 2 máy bay ném bom B-2 thực hiện một cuộc tập bắn trên bán đảo Triều Tiên.
Tình hình trên khiến dư luận quốc tế lo ngại và yêu cầu các bên kiềm chế.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax của Nga, quan chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên Grigory Logvinov kêu gọi các bên kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa, không bên nào vượt quá giới hạn. Ông Logvinov nói Nga "không thể tiếp tục thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại biên giới phía Đông của Nga", đồng thời cho biết Nga đang tham vấn chặt chẽ với các bên đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong khi đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho biết Mỹ đang nghiêm túc xem xét tuyên bố chiến tranh của Triều Tiên và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Philippe Lalliot cho biết Pháp quan ngại sâu sắc về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Triều Tiên thực thi các cam kết quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ các nghị quyết liên quan của LHQ cũng như nhanh chóng nối lại các cuộc đối thoại.
Ở một “điểm nóng” khác tại châu Phi, sau khi phiến quân Seleka giành quyền kiểm soát thủ đô Bangui và buộc Tổng thống Francois Bozize phải lưu vong, nước CH Trung Phi rơi vào tình tạng bất ổn. Thủ lĩnh lực lượng Seleka đã tự xưng là Tổng thống mới của nước này, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ở thủ đô. Dư luận thế giới đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình tại Trung Phi và lên án việc phiến quân tiếm quyền tại đất nước này.
Ngày 25/3, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ việc lực lượng phiến quân Seleka “dùng vũ lực tiếm quyền” ở Trung Phi và kêu gọi các bên kiềm chế những hành động bạo lực nhằm vào dân thường ở quốc gia này.
BRICS nổi lên như một trật tự mới
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại Durban, Nam Phi ( ngày 26 - 27/3) thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi BRICS đang có những bước đi mang tính bước ngoặt nhằm khẳng định vai trò của nhóm này trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi tình hình kinh tế - chính trị thế giới ngày càng diễn biến phức tạp.
Với mục tiêu tạo ra sức mạnh ảnh hưởng nhằm cân bằng kinh tế toàn cầu, ủng hộ các nền kinh tế đang phát triển vượt qua mọi rào cản về địa lý và ý thức hệ trong bối cảnh phức tạp của toàn cầu hóa, các nền kinh tế BRICS đã tạo ra một diễn đàn đối thoại và hợp tác rất ấn tượng.
Hội nghị Durban, với chủ đề “BRICS và châu Phi: Đối tác vì Phát triển, Hội nhập và Công nghiệp hóa", đã đánh dấu một bước chuyển mình mới và ngoạn mục của BRICS, hướng tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong tương lai gần.
Các nhà lãnh đạo BRICS đã đạt được thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS nhằm mục đích cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng cơ sở lớn của các nước trong nhóm. Đây là một dự án lớn của BRICS và là bước đi đầu tiên của nhóm nhằm hợp nhất các chính sách kinh tế của 5 nền kinh tế mới nổi.
Không chỉ trong các vấn đề kinh tế, BRICS cũng đang từng bước khẳng định vai trò trong việc giải quyết các vấn đề chính trị toàn cầu mà thách thức trước mắt là cuộc khủng hoảng Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ngày càng trở nên nghiêm trọng bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
CH Síp được cứu trợ
Sau cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài 12 giờ đồng hồ, ngày 25/3, CH Síp cùng bộ ba chủ nợ quốc tế (gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quĩ Tiền tệ quốc tế - IMF) đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ mới, giúp chặn đứng nguy cơ vỡ nợ tại khu vực ngân hàng nước này. Kế hoạch thoát hiểm vào phút chót này đã kết thúc gần 10 ngày CH Síp cùng các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nằm trong tình trạng căng thẳng và bất ổn. Mặc dù vậy, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vẫn được cho là hiện hữu.
Những diễn biến mới nhất xung quanh cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Síp đã làm dấy lên một đợt sóng hoang mang về tình hình tài chính của Eurozone, khiến nhiều nhà đầu tư quyết định thu tiền về và theo dõi tình hình, kéo theo sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán chủ lực trên thị trường Mỹ và Canada.
Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, tuy giờ đây Síp có thể tạm thời tránh được “cơn ác mộng” vỡ nợ nhưng cũng phải mất một thời gian dài để kinh tế của quốc gia nhỏ bé này hồi phục trở lại.
Trong một diễn biến khác tại Trung Quốc, vào 6h sáng (giờ địa phương) ngày 29/3, tại một mỏ khai thác đa kim ở huyện Mặc Trúc Công Tạp (Maizhokunggar), cách thủ phủ Lhasa của Khu tự trị Tây Tạng 68km về phía Đông đã xảy ra vụ lở đất khủng khiếp, chôn vùi 83 thợ mỏ.
Lực lượng cứu hộ gồm công an, nhân viên cứu hỏa và bác sỹ đã được điều động đến hiện trường cùng khoảng 200 chiếc máy xúc được điều đến để dọn dẹp đất đá.
Ngày 31/3, Tân Hoa Xã cho hay, sau 37 giờ kể từ khi xảy ra vụ sạt lở đất, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 2 thợ mỏ. Hiện 3.500 nhân viên cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người còn lại bị chôn vùi trong đống đổ nát. Tuy nhiên cơ hội sống sót của những người này là rất mong manh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu chính quyền "không từ nỗ lực nào" trong công tác cứu hộ.
Nguyễn Chiến (Nguồn: chinhphu.vn) [TT: H.T.N]
Tin khác