“Cơm có thịt” tiếp sức học sinh vượt núi tới trường
09:10 AM 20/05/2013 | Lượt xem: 2230 In bài viết |Trước đây, phụ huynh vùng cao thường cho con em nghỉ học vì không có tiền, có gạo cho con mang xuống trường nấu ăn và muốn con ở nhà lao động, kiếm bắp ngô, cây măng rừng phụ giúp gia đình.
Chị Giàng Thị Nu và nhiều phụ huynh khác ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, trước đây luôn mang nỗi niềm ấy, khiến đám trẻ đi học “buổi đực buổi cái”. Thế nhưng suy nghĩ của chị đã thay đổi sau lần cất công xuống trường, ứa nước mắt thấy các con mình được học hành, chăm sóc còn hơn cả ở nhà. Bữa cơm có thịt, có đậu; các con cũng có phòng ở ngay trong trường nên tránh được cái nóng mùa hè, cái lạnh ngày đông, không bị ám ảnh bệnh tật, ốm đau.
Chuyện những học sinh vùng cao với bữa cơm có thịt, có đậu là chuyện “bất ngờ”. Bởi trước đây chưa lâu, bữa ăn của học sinh vùng cao chỉ có cơm và muối trắng, thêm ngọn măng rừng đắng ngắt và quả ớt cay xè. Sau giờ học, các em hì hụi nhặt củi thổi cơm, mặt mũi lem luốc bê nồi ra ngồi ăn thẫn thờ dưới tán cây hay góc sân trường. Chỗ ngủ thì tạm bợ trong những ngôi lán cha mẹ dựng tạm ven đồi. Đói và khổ quá, nhiều học sinh bỏ về nhà…
Còn hôm nay, các em được ăn ngủ tại trường, không phải nấu ăn sau giờ học nữa mà được các thầy cô nấu cho bữa cơm đầy đủ chất. Trong bữa cơm trưa ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, vừa dè dặt ăn phần cơm của mình, cô bé Sùng Thị Nhì vừa nói nhỏ rằng gần đây em và các bạn được ăn những bữa cơm rất ngon.
Đưa chúng tôi tới thăm những lớp học đầy đủ học sinh, những phòng ngủ ngăn nắp, sạch sẽ và những bàn ăn đầy đủ chất, nóng hổi đang chờ học sinh, thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu không giấu được niềm vui: “Trước đây tình hình học sinh đi học chuyên cần có thời điểm rất thấp, có khi 60 đến 70%. Bây giờ khi chuyển đổi sang mô hình trường dân tộc bán trú thì việc huy động học sinh ra lớp rất thuận lợi. Đầu tuần các em về trường thì nhà trường quản lý nuôi dạy các em cả tuần nên các em nghỉ học rất ít. Đến nay nhà trường duy trì tỷ lệ chuyên cần trên 95%”.
Bà Trần Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: “Cho đến nay tất cả những chính sách hỗ trợ học sinh đều đã được đến tận tay các em học sinh thụ hưởng. Riêng đối với chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú thì chúng tôi chỉ đạo các trường nấu ăn cho các em, một ngày ba bữa, đến nay 10/10 trường bán trú đều tổ chức nấu ăn cho học sinh. Qua việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đã mang lại nhiều hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh vùng cao đồng thời là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao”.
Không chỉ riêng Trạm Tấu, chế độ ưu đãi của Chính phủ đã tiếp sức cho gần 1 vạn học sinh Yên Bái ở các trường dân tộc bán trú tới trường. Hằng tháng các em được nhận đầy đủ số tiền bằng 40% mức lương tối thiểu và được hưởng đầy đủ trong 9 tháng của một năm học. Học sinh mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi cũng đã bắt đầu nhận tiền trợ cấp theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức 120.000 đồng/1 tháng/1 học sinh. Qua đó bữa ăn, giấc ngủ của các em được đầy đủ hơn.
Hiện tại, các địa phương của tỉnh Yên Bái cũng đang tập trung thực hiện các chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh trung học phổ thông thuộc diện chính sách theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các chế độ cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh cũng đã được thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên việc thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí vẫn còn có điểm chưa sát hợp thực tế. Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho ý kiến: “Chúng tôi đề nghị làm thế nào đó để đưa số tiền này vào ngân sách các trường theo từng năm, để từ đó hỗ trợ kịp thời cho các cháu theo từng tháng. Có như vậy mới kịp thời và có tác dụng động viên ngay trong quá trình các cháu học tập. Chứ cấp theo từng đợt thì có thể có những đợt cấp vào cuối năm, lúc ấy các cháu học xong năm học rồi, thậm chí có cháu ra trường rồi thì mới được nhận kinh phí đó”.
Đinh Tuấn (Nguồn: chinhphu.vn)