Giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc của văn hoá xứ Lạng
04:03 AM 11/06/2013 | Lượt xem: 3673 In bài viết |Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới giáp Trung Quốc, nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, có cửa khẩu quốc tế lớn trên tuyến giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung Quốc. Đây cũng là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính điều này đã đặt ra những thác thức đối với việc phát triển, bảo vệ và giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc của văn hoá xứ Lạng.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Lạng Sơn đã thực sự đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện của tỉnh, gắn văn hoá với kinh tế và quốc phòng – an ninh tạo ra phong trào sôi nổi rộng khắp, nâng cao đời sống văn hoá, vật chất và tinh thần của nhân dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và nhân dân về xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển sâu rộng, được đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh đồng tình và tích cực thực hiện; các lễ hội truyền thống được duy trì, phục dựng, tiêu biểu như Lễ hội Ná nhèm ở huyện Bắc Sơn, được phục dựng sau hơn 50 năm. Đây là lễ hội nghĩa có ý nghĩa ca ngợi lòng yêu nước nồng nàn của các đồng bào dân tộc anh em cùng đoàn kết đứng lên đánh đuổi kẻ thù bảo vệ quê hương... đã tạo được môi trường văn hoá lành mạnh, thu hút khách thăm quan du lịch. Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các di sản văn hoá các dân tộc thiểu số được quan tâm cụ thể bằng các chương trình, đề án, dự án và tổ chức thực hiện hiệu quả. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng; các thiết chế văn hoá được củng cố; công tác xã hội hoá được đẩy mạnh, phát huy được các nguồn lực của xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Công tác quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình thực hiện của một số cấp uỷ còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi; đời sống của nhân dân vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn trông chờ, ỷ nại vào Nhà nước; sinh hoạt văn hoá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn lạc hậu; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc, còn rườm rà, lãng phí. Hoạt động phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở một số nơi còn mang tính hình thức; triển khai chưa đồng đều giữa các vùng, hiệu quả thấp; công tác tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; một số nơi bình xét các danh hiệu văn hoá chưa đảm bảo các tiêu chuẩn; công tác khen thưởng còn hạn chế…
Nhiều di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng chưa có kinh phí tôn tạo, tu bổ kịp thời như danh thắng Nhị Thanh, Thành Nhà Mạc, Di chỉ Mai Pha (TP Lạng Sơn); việc bảo tồn và phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc còn hạn chế nhất là tiếng nói, trang phục, nhà cửa truyền thống. Việc đầu tư nguồn lực cho văn hoá chưa tương xứng. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đám ứng được nhu cầu, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ làm văn hoá còn thấp; công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi còn buông lỏng; các sản phẩm văn hoá độc hại, tệ nạn xã hội phát sinh từ các hoạt động dịch vụ văn hoá chưa được ngăn chặn triệt để.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), tỉnh Lạng Sơn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nếp sống văn hoá trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị… Tỉnh tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; ngăn chặn đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự, các tệ nạn xã hội…
Tỉnh đẩy mạnh và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cách mạng; thực hiện tốt các chính sách về bảo tồn và phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số, trong đó trú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; triển khai việc đưa tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các nhà trường. Tỉnh tăng cường đầu tư cho sự nghiệp văn hoá; chú trọng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đồng thời xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc như hát then, si, lượn… tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật đáp ứng những nhu cầu văn hoá đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân./.
(Theo TTXVN)