Quốc hội biểu quyết thông qua 4 dự án luật quan trọng
02:17 AM 20/06/2013 | Lượt xem: 2341 In bài viết |Giáo dục cho công dân kiến thức quốc phòng và an ninh
Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh được thông qua với 450/465 (chiếm 90,36%) đại
biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật gồm 8 chương với 37 điều quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản,
hình thức giáo dục quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ
chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Đối tượng áp dụng bao gồm cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân
nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân theo quy
định của Luật này và pháp luật có liên quan về giáo dục quốc phòng và an ninh.
Nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh là những hiểu biết cần thiết
về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; âm mưu, thủ
đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhiệm vụ quốc phòng và an
ninh trong từng thời kỳ; phòng thủ dân sự; trách nhiệm của công dân đối với sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Giảm 50% thuế giá trị gia tăng khi thuê, mua nhà ở xã hội
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng được
thông qua với 455/462 (91,37%) đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật này được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập
của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo
thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Điểm nhấn chú ý của Luật là đã tập trung sửa đổi, bổ sung một số nhóm vấn đề,
trong đó đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định về đối
tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông
nghiệp; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục
vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là
tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ; tài sản bảo đảm của khoản nợ bán
ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ cho Chính phủ thành lập để xử
lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Mặt khác, Luật cũng quy định các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội
với căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ
được giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết 30/6/2014.
Việc giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhà ở là căn hộ loại này
sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có
nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn
kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.
Từ 1/1/2014, áp dụng thuế suất phổ thông là 22%
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được
thông qua với 456/464 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm 93,17%.
Điểm nhấn đáng chú ý trong Luật là để thực hiện chiến lược cải cách thuế năm
2020 là giảm dần mức động viên, Luật quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất
phổ thông là 22%; doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được
áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013. Từ ngày 1/1/2016 mức thuế suất
phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động phải đóng Quỹ phòng, chống
thiên tai
Cũng trong chiều nay, với 458/463 (chiếm 91,97%) đại biểu tham gia biểu quyết
tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân Việt Nam; tổ
chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang sinh sống, hoạt động hoặc tham
gia phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng,
chống thiên tai. Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng,
chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều
động của người có thẩm quyền. Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm
thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công
tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật
tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền. Tổ chức, cá nhân
tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của
người có thẩm quyền.
Theo Luật này, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại
địa bàn; công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của
pháp luật phải đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống thiên tai./
Kim Thanh (Nguồn: CPV)