Văn hóa Cơ Tu thành “đặc sản” du lịch

04:49 AM 25/06/2013 |   Lượt xem: 1962 |   In bài viết | 

Thời gian qua, Hội An (Quảng Nam) là địa phương tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu đối với thế giới. Thành phố này luôn lọt vào top Những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Do đó, việc tổ chức thành công kỳ Festival mang thông điệp kết nối các miền di sản thế giới đóng vai trò quan trọng để quảng bá thương hiệu du lịch Hội An, với tư cách là thành phố di sản và hội nhập.

Lễ hội đâm trâu khai trương 2 làng du lịch cộng đồng không gian văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu.

Thế nhưng, du lịch Quảng Nam không muốn chỉ dừng lại ở đó, mà còn kỳ vọng đưa cả những vùng văn hóa khác, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi cũng đuổi kịp sự phát triển này. Ngày 23.6, tại huyện miền núi cao Đông Giang, UBND tỉnh Quảng Nam đã khai trương làng du lịch cộng đồng không gian văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu ở làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) và làng Đhơ Rồng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang), với sự giúp đỡ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Ông Hồ Tấn Cường- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: “Đây là những sản phẩm du lịch mới thu hút khách đến với làng, góp phần tăng doanh thu cho du lịch và tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập và nâng cao trình độ. Khách du lịch đến với 2 làng Bhơ Hôồng và Đhrồng giờ đây có thể ở lại qua đêm với các hoạt động như homestay (ở nhà dân), lưu trú tại nhà cộng đồng của làng, có hướng dẫn viên du lịch người địa phương, tham gia hoạt động dệt thổ cẩm, mây tre đan, các tour đi bộ trong rừng, thăm suối nước nóng, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Sự giúp đỡ của ILO đã tạo tiền đề để du lịch miền núi Quảng Nam phát triển trong tương lai”.

Ông Gyorgy Sziraczki- Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Hoạt động khai trương 2 làng du lịch cộng đồng là một phần của Dự án “Tăng cường du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam” do ILO phối hợp thực hiện với tỉnh trong 2 năm qua. Dự án giúp người dân hiểu cách làm du lịch bền vững và tự kinh doanh để tạo việc làm cho chính mình và có nguồn thu nhập bổ sung cho gia đình. Tôi rất kỳ vọng mô hình phát triển du lịch cộng đồng sẽ không chỉ dừng lại ở 2 ngôi làng xinh đẹp với khoảng 160 hộ dân này mà sẽ sớm trở thành một tấm gương để các địa phương khác trên cả nước học tập”.

Anh Bnuoch Ba (32 tuổi, người dân làng Bhơ Hôồng) vui mừng nói: “Tôi mong rồi đây sẽ có nhiều khách đến với các làng du lịch để chiêm ngưỡng các giá trị văn hóa, thưởng thức các món ăn của người dân vùng chúng tôi. Phát triển du lịch sẽ tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân ở đây để cuộc sống người Cơ Tu từ nay sẽ thay đổi”.

Người đẹp tôn vinh di sản

Trước đó, hơn 1.300 người gồm các hoa hậu người Việt, 64 thí sinh dự thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam, các đoàn hợp xướng và nghệ thuật quốc tế... đã làm nên cuộc diễu hành đầy sắc màu, sinh động qua phố cổ Hội An. Xuất phát tại quảng trường Sông Hoài, đoàn diễu hành đã đi qua các tuyến đường chính trong phố cổ và kết thúc tại Bảo tàng Hội An với lộ trình hơn 1.000m.

Cũng trong dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ 5 diễn ra, cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ III-2013 đã khai mạc vòng chung kết. Trong những ngày này, các thí sinh đã được đến với di sản thế giới Mỹ Sơn ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Các người đẹp được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử: Các đỉnh tháp chóp nhọn, gờ mái (có dòng chữ Chăm khắc gắn vào giữa thế kỷ XII), tượng Laksmì, tượng Kàla (linh vật huyền thoại với cái nhìn đầy đe dọa ở thế kỷ XII), tượng linh dương (thế kỷ XII), tượng Nadin, tượng Hamsa... Chính sự xuất hiện của họ ở đây cũng đã góp phần quảng bá cho di sản.

Người đẹp Hà Thị Phương cho biết: “Tôi vô cùng ngỡ ngàng và thán phục vẻ đẹp độc đáo, hữu tình nơi đây. Trước khi đến đây, tôi chưa bao giờ hình dung được vẻ đẹp kỳ bí của quần thể di tích nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá được xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Vẻ đẹp của các di sản Quảng Nam như phố cổ Hội An, di tích đền tháp Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm sẽ mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi”.

Tại bãi biển Hạ Thanh, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ cũng đã diễn ra lễ khai mạc “Ngày hội du lịch biển Tam Thanh năm 2013” với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giao lưu với sự tham gia của các thí sinh Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, như biểu diễn canô, dù lượn, các trò chơi dân gian, bóng chuyền bãi biển, lắc thúng...

Trương Hồng (Nguồn: danviet)