Hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo

09:51 AM 27/06/2013 |   Lượt xem: 1682 |   In bài viết | 

Phóng viên (PV): Với tư cách là Giám đốc Dự án, ông có thể chia sẻ một số thông tin về Dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo” (PPDP) - một trong những dự án của Plan đã và đang triển khai thực hiện tại các địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn tại Việt Nam ?

Ông Nguyễn Quốc Tiến: Được sự tài trợ của chính phủ Na Uy thông qua Tổ chức Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Plan Na Uy, tổ chức Plan Việt Nam đã thực hiện Dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo” trong giai đoạn đầu từ năm 2008 đến năm 2010 tại các huyện: Hoàng Su Phì (Hà Giang), Đại Từ (Thái Nguyên) và Đa Krông (Quảng Trị).

Trong giai đoạn này, Dự án đã giới thiệu phương pháp và quy trình lập kế hoạch kinh tế - xã hội cấp xã hàng năm. Dự án đã trực tiếp hỗ trợ người dân và cán bộ cấp thôn, xã, huyện của 27 xã và 03 huyện nâng cao hiểu biết, nhận thức và năng lực thực tế trong việc tổ chức tham vấn và lấy ý kiến của người dân nhằm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã hàng năm.

Tiếp bước các kết quả của giai đoạn 1 (2008 - 2010), từ tháng 1/2011, Tổ chức Plan tại Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy thông qua Plan Na Uy, Ủy ban châu Âu thông qua Plan Anh, Cơ quan hợp tác phát triển Úc thông qua Plan Úc và Plan Canada để tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo” cho giai đoạn 2 (2011 - 2015). Dự án đang được thực hiện tại các huyện: Xín Mần và Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Đoan Hùng và Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), Quảng Ninh và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) và Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi).

Mục tiêu lâu dài và hướng đến của Dự án là: Các cộng đồng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo, trẻ em và dân tộc thiểu số, được cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ có chất lượng được cung cấp bởi chính quyền địa phương.

Các mục tiêu và hoạt động cụ thể của Dự án PPDP trong giai đoạn 2 (2011-2015) nhằm hướng đến bao gồm: Quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đơn giản hoá, có sự tham gia và hướng tới đối tượng nghèo được nhân rộng ở 100% các xã của 9 huyện dự án; các mô hình (kế hoạch phát triển hộ gia đình) và hệ thống hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng nghèo và yếu thế nhất (đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và dân tộc thiểu số), được thí điểm để hỗ trợ và cải thiện cho quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của người dân; tập hợp, phân tích, tài liệu hoá và phổ biến các thông tin nhằm vận động chính sách ở cấp địa phương và Trung ương cho việc tiếp cận các dịch vụ có chất lượng cho các nhóm yếu thế; tác động tích cực đến các chính sách và cơ chế thực hiện quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia và tăng cường tham gia đối thoại với chính quyền Trung ương và địa phương (và các bên liên quan khác) cho việc thực hiện quy trình.

PV: Việc lựa chọn những địa phương để thực hiện Dự án cần dựa vào những tiêu chí gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tiến: Các huyện đang thực hiện Dự án PPDP là các huyện thuộc các tỉnh đã và đang có ký kết hợp tác với tổ chức Plan tại Việt Nam. Các huyện này hầu hết là các huyện nghèo và khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao so với các huyện khác ở trong tỉnh cũng như trong cả nước.

Mục đích của Dự án PPDP là sẽ hỗ trợ trực tiếp 50% số xã của các huyện này. Các tiêu chí để lựa chọn các xã của huyện tham gia vào Dự án này, đó là các xã đã và đang thực hiện các dự án khác của Plan; các xã nghèo, khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao so với các xã khác trong huyện.

PV: Việc triển khai Dự án có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Tiến:
Dự án “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo” do tổ chức Plan tài trợ, triển khai từ năm 2011 – 2015 tại 9 huyện thuộc 6 tỉnh gồm: Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Trong quá trình triển khai, Dự án đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ cần thiết của các cấp chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã. Các ban dự án cấp huyện và xã, người dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo và trẻ em đã và đang nhiệt tình, tích cực triển khai các hoạt động của Dự án.

Tuy nhiên, trong triển khai Dự án vẫn gặp phải một số khó khăn như: Trình độ dân trí ở các vùng này còn chưa cao. Vì vậy, đòi hỏi Dự án cần đầu tư nhiều hơn để từng bước nâng cao sự hiểu biết, nhận thức và năng lực thực tế của người dân và các bên liên quan ở địa phương trong việc “Tăng cường sự tham gia phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo”, đặc biệt là việc lập, thực hiện và giám sát cũng như đánh giá các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm tại các xã. Ngoài ra, địa hình cũng là một yếu tố khó khăn để triển khai các hoạt động Dự án, nhất là các hoạt động đã và đang được thực hiện tại các thôn, bản xa trung tâm xã.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Dự án PPDP cũng như sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương với Plan ?

Ông Nguyễn Quốc Tiến: Dự án PPDP đã và đang góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức và năng lực của cán bộ cấp xã và huyện cũng như người dân ở các vùng Dự án nhằm huy động sự tham gia vào quá trình lập và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã hàng năm, đặc biệt là việc lập các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi cao trong triển khai và thực hiện, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế của từng xã.

Trong quá trình triển khai các hoạt động, Dự án đã và đang nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của UBND huyện, xã, các phòng, ban chức năng của huyện, cũng như các ban, ngành và đoàn thể ở các xã. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Huyện ủy và Hội Phụ nữ huyện, xã của hầu hết các huyện đã tham gia tích cực trong các hoạt động tuyên truyền.

PV: Như ông đã nói, dự án PPDP triển khai tại các địa phương đã gặt hái được những thành công bước đầu. Vậy theo ông, tổ chức Plan cũng như các địa phương cần phải làm gì để tiếp tục kêu gọi các nguồn đầu tư nước ngoài cho các dự án PPDP tiếp theo?

Ông Nguyễn Quốc Tiến: Tổ chức Plan cũng như các địa phương cần cố gắng thực hiện thành công Dự án, đạt được các mục tiêu đề ra. Trên cơ sở thành công đó sẽ tạo niềm tin cho các nhà tài trợ về việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ; từ đó, tạo điều kiện để có thể kêu gọi các nguồn đầu tư khác cho các dự án khác, cũng như cho các dự án PPDP tiếp theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Lan (thực hiện) (Nguồn: chinhphu.vn)