Giảm nghèo tại Việt Nam – Còn nhiều thách thức

10:26 AM 04/07/2013 |   Lượt xem: 2463 |   In bài viết | 

Thế giới ghi nhận

Điểm lại thời gian 20 năm qua, Việt Nam là một trong những nước thành công về quá trình phát triển kinh tế và giảm nghèo - đó là nhận định của ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới tại Hội thảo “Mười năm thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam - Cơ hội và thách thức” do Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây. Thành tích của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong hai thập niên qua là rất lớn. Bởi chỉ trong vòng 25 năm, kể từ năm 1986, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập đầu người 1.200 đô la Mỹ như hiện nay…

Được biết, trong Báo cáo "Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới" của Ngân hàng thế giới ngày 24/1/2013, cũng ghi nhận: Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo là trên 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam .

Không chỉ Ngân hàng thế giới mà nhiều nước và tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao, coi Việt Nam là "một điểm sáng thành công" trong xóa đói giảm nghèo. Mới đây, tại Italia, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức "Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo" cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG 1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015.

* Nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị

Có thể khẳng định rằng, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mặc dù kinh tế đất nước còn không ít khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng. An sinh xã hội và giảm nghèo luôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Chính phủ những năm qua. Những thành tựu có được trong xóa đói giảm nghèo là nhờ nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và các cá nhân.

Tỷ lệ đói nghèo ở nước ta đã giảm một cách tích cực. Tính đến năm 2012, đã có 500 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người được hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012). Thông qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ các xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn, bản lên tới 80,7%. 2,2 triệu hộ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng được 6.834 mô hình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp... Sau gần 4 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Các địa phương đã hỗ trợ 1.340 lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao động xuất khẩu lao động qua gần 4 năm lên gần 8.500 người. Các địa phương còn tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ, ngoài địa bàn hoặc tham gia xuất khẩu lao động. 225 nghìn hộ được vay vốn với tổng số tiền 1.122 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để chăn nuôi gia cầm, gia súc, phát triển ngành nghề...

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về xóa đói giảm nghèo. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác xóa đói giảm nghèo đã được ban hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này. Kết quả tích cực của công cuộc xóa đói giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.

* Hướng đến giảm nghèo bền vững


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn những hạn chế, cần tập trung khắc phục: Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại một số nơi, tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của các nước.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhiều cơ chế, chính sách được ban hành còn chồng chéo dẫn đến việc thực hiện phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao; nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách hiện còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng việc sửa đổi, bổ sung còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên.

Mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện còn dưới 30%. Mới đây, tại Hội nghị thực hiện công tác giảm nghèo, chương trình giảm nghèo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 cho rằng, Nhà nước, xã hội và cộng đồng cần nhận thức đúng trách nhiệm thực hiện giảm nghèo, cùng chung tay hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững; đặc biệt là việc tự giác, chủ động thực hiện, có trách nhiệm hơn nữa để vươn lên thoát nghèo của người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm thống nhất; xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ mới theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo. Cần quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn; phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo lộ trình. Tạo các tiền đề, điều kiện xóa đói giảm nghèo bền vững thông qua việc xây dựng các hình thức liên kết các ngành khoa học, công nghệ với sản xuất, xây dựng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách cụ thể cho các hộ mới thoát nghèo được hưởng các chính sách như đối với hộ nghèo 2-3 năm; hỗ trợ mức đóng 100% bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, đang sinh sống ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên; hỗ trợ 5% chi phí đồng chi trả cho người thuộc hộ nghèo khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế...

Tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác xóa đói giảm nghèo sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn, khắc phục những tồn tại, khó khăn trước mắt./.

(Phúc Hằng - TTXVN)