Chương trình 135 góp phần đổi mới bản, làng
03:25 AM 15/07/2013 | Lượt xem: 1679 In bài viết |Dẫn chúng tôi đi thăm các công trình cầu cứng và cầu ngầm, cán bộ địa chính xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) Hà Ngọc Thiện chia sẻ: Từ khi xây dựng xong mấy cây cầu bắc qua suối này, bà con đi lại rất thuận lợi. Không còn cảnh phải lội suối hay bị chia cắt khi mưa lớn. Ô tô có thể đi vào tận các bản nên nông sản của bà con được bán dễ dàng hơn.
Không chỉ có giao thông đi lại thuận lợi, ở Sơn Lương (một
trong 16 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn), nơi có trên 60% là đồng bào
Thái sinh sống, chúng tôi còn gặp nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây
dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 như phòng học, lưới điện, giếng nước ở khắp
10 thôn, bản trong xã.
Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, Lò Văn Phanh cho biết: "Cách đây chừng 5 - 6 năm
thôi, dân làng còn nghèo lắm. Chương trình định canh, định cư đã giúp bà con có
nơi ở rộng rãi, tập trung. Chương trình 135 đã giúp xây dựng các công trình
điện, đường, trường, trạm, nên xã mới có bộ mặt đổi mới như hôm nay. Đời sống
của đại đa số hộ đồng bào Thái, Mường, Dao, Tày trong xã đã được cải thiện rất
nhiều. Toàn xã có trên 91 ha trồng lúa nước, trên 100 ha đất trồng cây ngắn
ngày; tổng đàn gia súc gần 16.000 con.
Chị Lường Thị Linh, thôn Bản Sẻ, cho biết: “Trước đây, đời
sống của người dân chúng tôi khổ lắm. Từ khi Nhà nước triển khai Chương trình
135 và các chương trình chính sách khác như hỗ trợ xây dựng nhà ở, điện thắp
sáng, trường học, nước sinh hoạt, nhất là xây dựng các cầu, cống, kênh mương
thủy lợi qua xã; đời sống của người dân đã thật sự đổi thay. Đặc biệt là hiện
nay, thanh niên trong xã đã nhận thức được hiệu quả của chương trình đi xuất
khẩu lao động nên rất nhiều con em trong xã đăng ký tham gia”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền xã Sơn Lương cũng luôn
quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Trên 98% trẻ em trong độ tuổi đều
đến trường đi học, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Bản sắc văn hóa
truyền thống của dân tộc Thái được bảo tồn và phát huy; hủ tục lạc hậu, mê tín
dị đoan dần được xóa bỏ; tình làng nghĩa xóm ngày một gắn bó, khối đại đoàn kết
toàn dân ngày càng phát huy, đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở
cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi về kết quả thực hiện Chương trình 135 của huyện, Trưởng
phòng Dân tộc huyện Văn Chấn, Phạm Nguyên Bình phấn khởi cho biết: Những công
trình hạ tầng được xây dựng đều do nhân dân bàn bạc lựa chọn nên rất được lòng
dân, tạo được niềm tin trong cộng đồng bà con. Với một huyện miền núi còn nhiều
khó khăn như Văn Chấn, nhu cầu về vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn, cho
nên nguồn vốn của Chương trình 135 bình quân cho mỗi xã hơn 1 tỷ đồng/năm, mà
nhiều công trình với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng như trường học hai tầng phải kéo
dài nhiều năm, muốn sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phải yêu cầu nhà thầu ứng vốn
trước, thanh toán sau... Cũng do nguồn vốn ít ỏi hầu hết các tuyến giao thông
đều làm bằng đất, qua mỗi mùa mưa đều bị sạt lở, huyện phải tốn nhiều kinh phí
để sửa chữa. Hiện có một vài công trình đang có dấu hiệu xuống cấp. Tuy vậy phải
thừa nhận, trên nền cơ sở hạ tầng được tăng cường đó, tình hình kinh tế - xã hội
của huyện miền núi này trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực. Trong ba
năm gần đây, Văn Chấn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là trên 14%, GDP
bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, từ
38,97% năm 2011, dự kiến năm 2013 giảm xuống còn 31,10%.
Có thể nói, tuy các công trình 135 ở huyện Văn Chấn chưa thật khang trang, bề
thế nhưng rất có ý nghĩa đối với địa phương, đang tiếp sức cho đồng bào các dân
tộc thiểu số trong cuộc đấu tranh chống nghèo nàn lạc hậu.
Bài và ảnh: Minh Phúc (Nguồn: baotintuc.vn)