Tây Nguyên: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể
10:00 AM 21/08/2013 | Lượt xem: 2217 In bài viết | Các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với các ngành chức năng sưu tầm 801 tác phẩm sử
thi, với tổng số 5.679 băng ghi âm, điều tra, lập danh sách 388 nghệ nhân biết
hát, kể sử thi, văn nghệ dân gian. Các ngành chức năng cũng đã tiến hành dịch
nghĩa được 123 tác phẩm sử thi thuộc 7 dân tộc, trong đó đã xuất bản 75 tác phẩm
sử thi Tây Nguyên của 6 dân tộc, gồm 30 tác phẩm của đồng bào dân tộc Ba Na, 26
tác phẩm của đồng bào dân tộc M’Nông, 10 tác phẩm của đồng bào dân tộc Ê đê….
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã nghiên cứu nhiều đề tài văn hóa dân gian Ê Đê,
M’Nông, Ja Rai, Luật tục Ê Đê, M’Nông…, in và xuất bản hàng trăm đầu sách về văn
hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cũng khảo sát,
điều tra, sưu tầm, phục hồi các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian truyền
thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như diễn xướng sử thi, truyện cổ, diễn
tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc khác.
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương thực hiện khá tốt công tác gìn giữ, phát huy các di
sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, tỉnh đã phân loại, tổng hợp được trên 189
danh mục sử thi, 181 danh mục truyện cổ, 155 danh mục nghi lễ, lễ hội, 139 danh
mục bài chiêng. Tỉnh Đắk Lắk hiện còn lưu giữ 2.307 dàn cồng chiêng, trên 2.608
ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, với trên 3.855 nghệ nhân
diễn tấu cồng chiêng… Hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều duy trì, tổ chức các lễ hội
cồng chiêng, phục hồi các lễ hội truyền thống như lễ ăn trâu mừng được mùa của
người M’Nông, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Ê Đê…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã làm tốt việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết
của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng… đã
đưa tiếng dân tộc Ê Đê, Ja Rai vào giảng dạy trong các trường tiểu học và trung
học cơ sở ở những địa bàn có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Quang Huy (Nguồn: Báo Công thương)