Cửa hàng nào khách cũng đông nghìn nghịt. Tôi bỗng nhớ và thương các em vùng cao, nhớ những gương mặt ngây thơ có chút nhem nhuốc. Trẻ nhỏ vùng cao cũng có nhiều trò vui, nhưng gắn với nó là sự thiếu thốn và... nguy hiểm!
Chơi vui gắn với... nguy hiểm!
Những năm qua, đã có nhiều sự quan tâm lớn trong chính sách cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Nhờ vậy, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đem lại nhiều sự đổi thay đáng mừng cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em. Tuy nhiên, so với trẻ em ở các đô thị và vùng đồng bằng thì trẻ em miền núi còn rất nhiều thiệt thòi. Giấc mơ có được một sân chơi lành mạnh, bổ ích hàng ngày vẫn còn quá xa vời đối với các em miền núi.
Nhớ lại những chuyến công tác đến với khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên hay miền Tây của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa… hình ảnh mà chúng tôi thường thấy trong các trò “giải trí” của trẻ con đó là tắm sông, tắm suối. Nhìn chúng vui đùa, lặn ngụp, nhào lộn… thật vui nhưng cũng thật đáng lo. Không ít trẻ đã từng bêu đầu, mẻ chán vì va phải đá, để lại sẹo trên mặt. Đó là chưa kể đến những vụ đuối nước thương tâm... Mặc dù quá nguy hiểm, nhưng không thể ngăn cản tính hiếu động của con trẻ.
Mới đây, đoạn một clip ngắn với tên “Đua xe công thức 1” đã khiến cư dân mạng xôn xao. Nhiều người truyền tay nhau clip này với sự thích thú và buồn tủi. Trong clip là một nhóm các em nhỏ miền núi, bọn trẻ ngồi trên những chiếc xe bằng gỗ tự chế và thi nhau lao xuống dốc. Đường đất quanh co, dốc đứng và nhiều ổ gà khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Trò chơi “cảm giác mạnh” này được rất nhiều em nhỏ thích thú. Nhiều người tỏ lòng cảm thương trước cuộc sống thiếu thốn của các em nơi vùng cao. Không có những trò chơi hiện đại, các em phải chơi những trò chơi tự chế. Nhiều ý kiến khác lại tỏ ra hứng thú với clip về sự hồn nhiên của những đứa trẻ tại đây. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ vẻ lo ngại trước sự an nguy tính mạng của các em. Bởi đường đất khá dốc và một bên là vách đồi, bên kia là vực thẳm...
Cần hơn nữa sự quan tâm cụ thể
Nói về tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em cùng nguy cơ đi kèm, anh Vi Văn Siết cán bộ huyện đoàn của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho rằng: Với trẻ em vùng cao, trong điều kiện khó khăn chung của vùng miền núi các em thiệt thòi nhiều so với các bạn cùng trang lứa ở dưới xuôi. Vì vậy, ngoài những chính sách đầu tư cho giáo dục, y tế đối với trẻ em, về lâu dài Nhà nước cần đề ra những chính sách cụ thể, quan tâm trực tiếp đến đời sống tinh thần, sinh hoạt vui chơi hàng ngày của trẻ vùng cao. Trước mắt, cần quan tâm hơn nữa trong việc tổ chức các chương trình quyên góp, đưa sách chuyện đến với các em nhỏ. Qua đó, dần hướng các em biết đến những trò chơi dân gian của trẻ nhỏ... Còn theo ông Nguyễn Bình, Trưởng Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Đắk Rông (Quảng Trị) thì: Đối với trẻ em ở các thôn bản, mơ ước về một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em còn xa vời. Nhiều năm qua, dù đã có sự quan tâm với của Đảng và Nhà nước, các tổ chức phi Chính phủ... đã tạo nhiều điều kiện cho các em được vui chơi vào các ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu (rằm tháng Tám), ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (15/5)… Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ so với những vất vả, thiệt thòi của các em. Thiết nghĩ, nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em các huyện miền núi, dân tộc thiểu số, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần huy động nhiều nguồn lực, dành một khoản kinh phí đầu tư cho các sân chơi vừa và nhỏ, chỉ đạo các cơ sở đoàn - đội tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thu hút con em địa phương tham gia sinh hoạt.
Đề nghị các gia đình, các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho con một không gian, thời gian hợp lý, không nên bắt buộc con phải tham gia các công việc nặng nhọc của người lớn để các em có thể vui chơi giải trí. Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em đòi hỏi sự quan tâm không chỉ của gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, việc tạo các sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các em là điều không thể thiếu.. |
Quang Nguyễn (Nguồn: Báo Công thương)