UBTVQH thảo luận công tác phòng, chống tội phạm

10:45 AM 19/09/2013 |   Lượt xem: 2689 |   In bài viết | 

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an: Thời gian qua, hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có xu hướng phức tạp trở lại ở các tỉnh, thành phố lớn và những khu vực, địa bàn giáp ranh. Bên cạnh đó, còn xảy ra nhiều vụ xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và phát triển kinh tế-xã hội. 

Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, khu đô thị vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản còn diễn ra ở nhiều địa phương; tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

 Từ góc độ công tố, và xét xử, báo cáo của các ngành Kiểm sát, Tòa án cho thấy, một số vụ án việc giải quyết còn để kéo dài, nhất là đối với một số vụ án về kinh tế và chức vụ do các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương giải quyết; trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp... Trong hoạt động xét xử, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa được như mong muốn, nhất là trong giải quyết các vụ án hành chính.

 Cần xác định rõ trách nhiệm của đơn vị và của người đứng đầu cơ quan trong công tác thi hành án, tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến tán thành với những báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013, cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội trong năm qua. 

Để phòng chống tội phạm hiệu quả, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cần phân tích diễn biến tình hình tội phạm với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các cơ quan làm rõ nguyên nhân những tồn tại trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng, đất đai... xác định rõ trách nhiệm của đơn vị và của người đứng đầu cơ quan trong công tác thi hành án, tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Theo Phó Chủ tịch nước, việc đấu tranh phòng chống tội phạm là của các cấp, ngành và toàn xã hội nên không thể đổ hết cho ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát. 

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị: Cần củng cố, tăng cường các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh, trật tự...  Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống, giảm vi phạm pháp luật, tội phạm, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết riêng về nội dung này. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngành Công an, Tòa án, Kiểm sát tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, đồng thời các ban, ngành và cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh hơn nữa. Trong công tác điều tra, xét xử, tranh tụng và tố tụng phải thực thi đúng pháp luật, đồng thời các Ủy ban của Quốc hội phải thực hiện tốt công tác giám sát.


Bình Minh (Nguồn: chinhphu.vn)