Nhiều đề xuất đưa hàng về thị trường miền núi, vùng cao
11:02 AM 03/10/2013 | Lượt xem: 1602 In bài viết |“Dành” thị trường miền núi cho DN nhỏ và vừa
Ông Trần Việt - Trưởng ban Thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam hiện có gần 6.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp khác nhau, phục vụ cho từng đối tượng khách hàng khác nhau. Người tiêu dùng miền núi vùng sâu, vùng cao nên chăng “dành” cho các đối tượng doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa ở các địa phương. Đây là đối tượng doanh nghiệp phù hợp nhất phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số và người tiêu dùng nông thôn.
Tuy nhiên, địa bàn thị trường vùng sâu vùng xa rất cần có chính sách đặc biệt. Do đó, Nhà nước nên có chính sách phù hợp, chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, để họ có điều kiện đảm trách địa bàn miền núi, vùng cao. Chính sách đó chủ yếu do địa phương đề xuất là chính, bởi DN nhỏ và vừa phần lớn do các địa phương quản lý. Về các ban ngành trung ương cần phối hợp với địa phương quan tâm hỗ trợ đến vùng sâu, vùng xa thông qua việc tập trung nghiên cứu phương thức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, để DN nhỏ và vừa có chiến lược cạnh tranh hoàn chỉnh với hàng Trung Quốc giá rẻ.
Cách nào cho hàng may mặc Việt Nam “sống” được ở nông thôn miền núi?
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Việt cho biết, thành viên Vinatex đều là doanh nghiệp đã cổ phần hóa và công ty mẹ sắp tới cũng cổ phần hóa. Nhiệm vụ chính trị của Vinatex là kinh doanh bảo toàn vốn và đạt lợi nhuận. Mặc dù đưa hàng lên vùng cao miền núi không có lợi nhuận, nhưng các thành viên Vinatex vẫn tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kể cả vùng núi, vùng sâu. Tuy nhiên, để triển khai Cuộc vận động (CVĐ) đưa hàng Việt nói chung, hàng dệt may Việt nói riêng về nông thôn có sức sống, ông Việt đề nghị tách riêng góc độ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tách riêng phần kinh doanh; đồng thời, cũng đề xuất giải pháp triển khai CVĐ phải gắn chặt với yếu tố đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho DN. Nếu DN tham gia CVĐ đạt hiệu quả kinh doanh, đương nhiên CVĐ ngày càng phát triển. Còn DN phải bỏ ra chi phí, mà lãi là con số “0” thì tất nhiên CVĐ ngày càng đuối về sức sống và như thế cũng không đạt được yêu cầu của Bộ Chính trị: Triển khai CVĐ làm thế nào để cả người dân và DN đều được lợi, người dân có hàng tốt và DN đạt hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, Vinatex kiến nghị với các bộ, ngành tập trung làm sao có biện pháp triển khai CVĐ gắn với cả hiệu quả kinh doanh của DN?
Hàng dệt may đặc thù khác với các ngành, có sự phân khúc về thị trường. Những đơn vị lớn chủ yếu tập trung vào những đơn hàng xuất khẩu và thị trường nội địa ở các thành phố lớn, trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm đô thị... Tuy nhiên, Tập đoàn dệt may là doanh nghiệp lớn, cũng phải quan tâm thị trường miền núi, vùng sâu, bằng cách đưa hàng về bán qua các phiên chợ hàng Việt lên miền núi. Tất cả các phiên chợ này tổ chức ở đâu, công ty mẹ - tập đoàn và các đơn vị thành viên lớn của Vinatex đều tích cực tham gia. Điển hình là chuỗi siêu thị Vinatexmart, từ năm 2010 đến nay, tham gia bình quân mỗi năm từ 20 - 30 phiên chợ đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trung bình doanh thu mỗi phiên chợ thu được 30 - 40 triệu đồng/đợt. Doanh thu đưa hàng về nông thôn các năm tăng bình quân khoảng trên 10%. Ví như năm 2010, doanh thu bán hàng thị trường nông thôn gần 992 triệu đồng; năm 2011 đạt 1, 139 tỷ và năm 2012 lên 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hệ thống siêu thị Vinatexmart tổng doanh thu năm 2011 là 1.600 tỷ, năm 2012 hơn 2.000 tỷ, trong khi cả đợt mấy chục đợt bán hàng phục vụ nông thôn được 1 tỷ đồng, một con số quá nhỏ và thu không đủ bù đắp chi phí tham gia phiên chợ. Tuy vậy, Tập đoàn và nhiều đơn vị thành viên vẫn nỗ lực tham gia các phiên chợ hàng Việt được mở ra tại địa phương, để phục vụ người tiêu dùng miền núi, vùng sâu.
PV (Nguồn: baocongthuong)