Người “giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ê-đê
11:00 AM 03/10/2013 | Lượt xem: 2571 In bài viết |Chị H’Yam BKrông cho biết, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Tây Nguyên. Người con gái Ê-đê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp để dùng vào các dịp lễ, tết ngày hội của buôn làng. Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang, và sẽ được nhiều chàng trai để mắt. Đó là một thước đo về mặt giá trị tinh thần mà trước đây người con gái Ê-đê luôn phấn đấu, còn người con trai xem đó là tiêu chí để chọn bạn gái. Thế nhưng, những năm gần đây, đời sống kinh tế đã khá hơn nên bà con trong buôn làng dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơmi… nên nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một.
Là người giỏi giang, khéo léo và yêu nghề dệt, chị H’Yam BKrông lúc nào cũng trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên đất cao nguyên. Là người làm công tác Hội phụ nữ lâu năm, chứng kiến nhiều gia đình hội viên hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại càng tiếp thêm động lực giúp chị quyết tâm đứng ra thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm.
Được sự ủng hộ của chính quyền xã, năm 2003 Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam làm Chủ nhiệm được thành lập với 10 xã viên. Ngày đầu thành lập, HTX của chị khó khăn đủ bề do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ..., mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm trên phố bán giúp. Riêng chị, ngoài việc tự bỏ ra hơn 280 triệu đồng để làm vốn duy trì hoạt động, chị đôn đáo ngược xuôi, vào Nam ra Bắc tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để tạo niềm tin cho khách hàng và tăng lượng tiêu thụ, chị H’Yam luôn dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, HTX còn dệt túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Vì thế, những sản phẩm của chị em trong HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông làm ra đã dần dần được thị trường đón nhận và có bạn hàng lâu dài. Với sự năng động, chị H’Yam đã đưa sản phẩm đi trưng bày ở nhiều Hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, dệt thổ cẩm Tơng Bông không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… đặt mua. Số lượng hàng xuất đi ngày càng nhiều và thu nhập các hội viên HTX ngày càng tăng lên. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã có 42 xã viên, đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 12 chị thuộc diện hộ nghèo và trên 60 lao động làm theo mùa.
Nỗ lực của chị H’Yam không những giúp nghề dệt truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại thu nhập, mà còn giúp đời sống của chị em trong xã dần thay đổi. Ngoài dệt thổ cẩm, HTX còn làm thêm hàng thủ công mỹ nghệ và trồng 10ha cây ca cao để tăng thu nhập. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Hợp tác xã đạt 1,7 đến 2 triệu đồng/tháng, giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn trang trải nuôi sống gia đình hàng ngày và tích lũy cho con cái học hành.
Không chỉ dừng lại ở việc điều hành hoạt động của HTX, chị H’Yam luôn tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, phối hợp với Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Trung tâm khuyến công, Hội phụ nữ tỉnh mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho phụ nữ. Đến nay, đã có vài trăm học viên được đào tạo thành nghề.
Ước mơ khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của chị H’Yam đã thành sự thật. Từ một người yêu nghề, chị đã truyền lửa cho những người phụ nữ và thế hệ trẻ có cùng ý chí trong vùng. Với sự nỗ lực của mình, chị Chị H’Yam BKrông vinh dự là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu trong cả nước về dự Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2013 và được Hội LHPN các cấp khen thưởng. Ngày 1/10/2013, chị đã vinh dự có mặt trong Đoàn đại biểu Phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương tại Phủ Chủ tịch./.
Hiền Hòa (Nguồn: CPV)