Theo Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các Chương trình Mục
tiêu quốc gia (MTQG) từ năm 2011- 2013 của Chính phủ trình Quốc hội chiều 23/10:
Các chương trình MTQG đã huy động được sức mạnh, sự tham gia của cả hệ thống
chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực lớn thực hiện có hiệu quả các chính sách
giảm nghèo.
Các chương trình bước đầu đã mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống
thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt
là tại các vùng đồng vào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó
khăn.
Đặc biệt, các Chương trình MTQG đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện
thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết với cộng
đồng quốc tế vào năm 2015.
Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội thống nhất với đánh giá của Chính phủ
về kết quả đạt được của 16 chương trình MTQG giai đoạn 2011 – 2013.
Đơn cử Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng xây dựng cơ sở
hạ tầng thiết yếu cấp xã. Gần 5.000 công trình giao thông được thực hiện với
khoảng 64.000 km, nâng cấp gần 1.000 công trình thủy lợi. Cả nước đã thực hiện
hơn 7.000 mô hình sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất từ 15% - 20%;
trên 60% số dân cả vùng nông thôn tham gia các hình thức bảo hiểm y tế…
Tuy nhiên, Chính phủ và Ủy ban Tài chính, ngân sách cũng chỉ ra những hạn chế
trong thực hiện các chương trình MTQG nhưc: Quản lý hiệu quả nguồn vốn; lồng
ghép và huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình; tính bền vững của
chương trình còn chưa cao; việc quan tâm, chỉ đạo, điều hành thực hiện một số
Chương trình MTQG ở một số nơi chưa thực sự tập trung, quyết liệt.
Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ sẽ nghiên cứu chuyển từ cơ chế giao
kế hoạch hàng năm sang giao trong trung hạn. Đồng thời, quy định rõ hơn về cơ
chế lồng ghép, sử dụng nguồn vốn để địa phương lồng ghép nguồn vốn, đầu tư tập
trung dứt điểm theo từng năm.
Chính phủ sẽ quy định rõ trách nhiệm và cam kết của các địa phương trong việc
huy động và bố trí vốn thực hiện các Chương trình MTQG để đảm bảo hoàn thành các
mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của chương trình. Xác định rõ vốn hỗ trợ từ TW chỉ hỗ
trợ thực hiện những nhiệm vụ, công việc có tính then chốt, cấp bách nhất. Địa
phương phải bố trí ngân sách địa phương và có biện pháp đẩy mạnh xã hội hoá thu
hút các nguồn lực khác để thực hiện.
Theo báo cáo, tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình MTQG trong 3 năm
(2011-2013) là khoảng 92.677 tỷ đồng, bằng 3,5% tổng chi ngân sách nhà nước
giai đoạn 2011 – 2013.
Trong đó ngân sách TW khoảng 51.342 tỷ đồng, chiếm 55,4%; ngân sách địa phương
khoảng 24.626 tỷ đồng, chiếm 26,6%; nguồn vốn nước ngoài khoảng 4.331 tỷ đồng,
chiếm 4,6%; nguồn vốn tín dụng khoảng 3.783 tỷ đồng, chiếm 4,1%; nguồn vốn dân
đóng góp và huy động khác khoảng 8.595 tỷ đồng, chiếm 9,3%.
Tỷ lệ giải ngân vốn NSTW đạt khoảng 89% còn các địa phương phấn đấu giải ngân
100% kế hoạch được giao.
(Theo Chinhphu.vn)