Chuyện “kéo” chữ ở Huổi Van

10:26 AM 19/11/2013 |   Lượt xem: 1759 |   In bài viết | 

Cách trung tâm thị trấn Nậm Nhùn chừng chục cây số, điểm trường Huổi Van (thuộc trường Tiểu học số 2 Nậm Hàng) nằm cuối con đường cấp phối độc đạo nhỏ hẹp và hun hút qua những vạt rừng âm u, tĩnh mịch. Điểm trường này có 6 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho gần 70 học sinh là người dân tộc Mông và dân tộc Mảng, đến từ bản Huổi Van 1 và Huổi Van 2. Thầy Vũ Tiến Thiệp, Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch, tất cả giáo viên dạy học ở đây đều là người ở địa phương khác đến. Tại đây, do nhận thức của phụ huynh học sinh về việc học tập của con em mình còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số học sinh cũng như việc nâng cao chất lượng dạy và học tại điểm bản.

 Chị Lò Thị Đâm, dân tộc Mảng ở bản Huổi Van 1 (xã Nậm Hàng, Nậm Nhùn) mới gần 40 tuổi nhưng đã có đến 7 người con, con gái út đang học tại điểm trường Huổi Van. Chị vẫn luôn động viên và cố gắng cho con đi học lấy cái chữ. “Nhà nước mở trường, mở lớp cho thì phải cho con cháu nhà mình nó đi học để biết lấy cái chữ. Cố gắng theo học để mai này được làm cán bộ, không còn dựa vào ruộng nương nữa”, chị Đâm tâm sự. Cháu Lò Thị Lan, con gái chị Đâm năm nay học lớp 5. Theo lời các thầy cô, Lan là một trong số ít học sinh có khả năng tiếp thu kiến thức khá nhanh. Tuy nhà cách điểm trường khá xa, mất nhiều thời gian đi bộ nhưng Lan luôn chăm chỉ đến lớp đầy đủ.

Hành trình "gieo mầm" con chữ của các thầy cô giáo ở trường Tiểu học số 2 Nậm Hàng gian nan như chính những con đường về bản quanh năm mây mù. Giá như học sinh nào cũng như em Lan thì các thầy cô giáo nơi đây hay các thầy cô đang giảng dạy ở các vùng dân tộc thiểu số khó khăn khác sẽ bớt vất vả. Huy động học sinh ra lớp sau những dịp nghỉ dài như Tết, ngày lễ, sau nghỉ hè không phải là việc đơn giản.

 Cô giáo Lù Thị Diến cho biết, việc huy động học sinh đến lớp tại điểm trường Huổi Van vào thời điểm đầu năm học rất nhiều cực nhọc. Vào thời điểm này, học sinh thường theo cha mẹ lên rừng tìm măng, có khi đến cả tuần mới về bản. Với những em nhỏ bố mẹ thường đi làm nương lâu ngày nên nhiều khi các em phải đi theo bố mẹ do ở nhà không có ai trông coi. Còn ở bản Huổi Van 2, các em ở xa điểm trường gần chục cây số, gia đình phải dựng chòi ở tạm gần trường cho các em đi học. Vào dịp đầu năm học, gia đình chưa kịp dựng chòi ở tạm nên các em cũng thường xuyên nghỉ học. Vận động học trò đến lớp cũng phải mất một khoảng thời gian dài, có khi hàng tháng trời. Danh sách lớp đã có sẵn, giáo viên chia nhau đến từng bản, không đến được các nhà thì thông qua nhà trưởng bản để nhờ giúp đỡ, khó khăn cũng bớt phần nào. 

Ở miền quê vùng sâu, vùng xa nghèo khó này, đời sống của người dân còn thiếu thốn đủ đường, trong đó có các thầy cô giáo. Hiện tại 100% giáo viên đều phải ở nhờ nhà dân hay dựng tạm nhà mà chưa có nhà công vụ kiên cố. Nhiều lần có gió to, các thầy cô đều phải đóng cửa chạy lên nhà dân ở nhờ. Thậm chí có năm, phòng ở của giáo viên phải dựng lại đến 3 lần vì gió lốc xô đổ. Việc sinh hoạt ở đây nhiều thiếu thốn. Nước, lương thực, thực phẩm phải vận chuyển từ xa đến, do vậy giáo viên chủ yếu dùng đồ khô là nhiều. Với giáo viên có con nhỏ thì thật khó khăn trong việc đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu. Dù gần những nhà máy điện lớn của cả nước nhưng điện lưới vẫn chưa thể đến đây. Hàng đêm, họ vẫn sử dụng điện chạy từ tua bin nước. Những lúc mùa cạn, thiếu nước, các thầy cô phải thắp đèn, thắp nến để soạn giáo án... 

Nhưng dù khó khăn đến mấy cũng không cản được ý chí của các thầy cô. Thầy Phan Đình Dũng, 29 tuổi quê ở Phú Thọ cho biết, ban đầu lên đây anh cũng chỉ nghĩ vì công việc, sau vài năm công tác sẽ chuyển về xuôi. Nhưng khi thấy các em học sinh thiệt thòi quá nên cảm thấy thương, nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với các em. Để có thể gắn bó lâu dài với vùng đất này, thầy đã quyết định xây dựng gia đình và lập nghiệp ở đây. Được phân công dạy lớp 1 ở điểm bản Huổi Van, thầy Dũng kể, những ngày đầu năm học khi nhận lớp, các em cứ nhìn thầy giáo với vẻ mặt ngơ ngác. Thầy giáo hỏi các em bằng tiếng phổ thông các em đều không biết. Thế là bài học đầu tiên của thầy giáo không phải là bài học trong sách giáo khoa mà là những cử chỉ làm quen, học trò và thầy giáo cùng học tiếng của nhau.

 Với địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số, mỗi giáo viên không chỉ biết một thứ tiếng địa phương mà có nhiều giáo viên biết thêm 1 đến 2 thứ tiếng các dân tộc khác nhau. Nhiều em lên lớp không có bút, chờ bạn viết xong mới mượn bút của bạn để viết nên khi xuống xã, xuống huyện, việc các thầy cô bớt chút tiền túi mua sách vở, chiếc bút, lọ mực hay một số đồ dùng học tập khác về chia cho học sinh thì không có gì là lạ. Trong mấy năm gần đây, khi học sinh được hỗ trợ kinh phí học tập thì giáo viên cũng bớt phải bỏ tiền túi để mua dụng cụ học tập cho học sinh.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhờ có nguồn vốn của Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015, điểm trường Huổi Van đã được thụ hưởng, xây mới 3 phòng học kiên cố cùng một số vật dụng phục vụ dạy và học được bổ sung. Có bảng mới, bàn ghế mới cùng nhiều tranh, ảnh, đồ dùng trực quan giáo dục, những kiến thức mà thầy cô truyền đạt thực sự dễ dàng hơn cho các em học sinh. Tuy vậy, tại đây vẫn còn một số phòng học tạm được dựng bằng những tấm ván gỗ không hề phẳng phiu. Mặc dù nhìn bên ngoài, mái tôn và cọc nhà khá chắc chắn nhưng vẫn không chắn nổi mưa hắt, nắng xiên hay những luồng gió rít mạnh lạnh thấu xương khi đông về.

Ở một tỉnh miền núi đầy nghèo khó như Lai Châu, còn rất nhiều những trường, điểm trường tạm bợ, thiếu thốn hơn điểm trường Huổi Van. Không ngại gian khổ, không chút suy tính, các thầy cô giáo nơi đây vẫn đêm ngày cống hiến công sức và nhiệt huyết, “kéo” chữ lên các vùng bản xa xôi.

Bài và ảnh: Quang Duy (Nguồn:baotintuc.vn)