Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) và theo kế hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 17/6/2013, dự Luật nhận được nhiều ý kiến còn khác nhau, do đó, cần phải thảo luận thêm để thông qua trong kỳ họp thứ 6 này.
Một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là phải gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập, việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc, yếu kém hiện nay trong công tác quản lý đất đai.
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hằng năm chiếm 69,79% số đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm khoảng 70%); bên cạnh đó là các khiếu nại tố cáo liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật.
Trong chương trình làm việc buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 sau 32 ngày làm việc.
Phiên bế mạc kỳ họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Lê Sơn (Nguồn: chinhphu.vn)