Hát cưới trong hôn nhân của người Giáy

09:41 AM 18/12/2013 |   Lượt xem: 1826 |   In bài viết | 

Đám cưới là một trong những ngày hội vui nhất của người Giáy. Họ quan niệm, đám cưới càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc của đôi trai gái càng được bền lâu và thiêng liêng hơn. Và trong các đám cưới người Giáy thường bao giờ cũng có các cuộc hát đối đáp giữa trai gái của bản làng này với trai gái của bản làng khác đến dự đám cưới.
 
 
 Hôn lễ của người Giấy rất độc đáo. Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, phải trải qua một số nghi lễ: Thả mối mai (dạm hỏi) và Mai mối lai (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận việc hôn nhân của đôi trẻ, thống nhất ngày "đoạn lời".
 
 Ý nghĩa của nghi lễ này là nhà trai trao đồ vật cho nhà gái đã thách và từ đây đôi trai gái đã được công nhận là con của hai gia đình và cũng coi là thành vợ chồng. Sau ba năm, nếu nhà trai chưa đón được dâu thì hai bên được "tự do" tìm hiểu người khác, nhưng nếu chưa đủ ba năm bên nào "phá rào" trước thì bên đó bị phạt.
 
 Việc đầu tiên trong lễ cưới là tìm ngày đón dâu. Khi đã tìm được ngày chính thức, nhà trai nhờ ông mối, bà mối đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu. Đoàn nhà trai đi đón dâu khi đến cổng nhà gái bị chặn ngang bởi những sợi chỉ hồng và mấy cành gai cản lối chưa cho nhà trai vào, bên trong sợi chỉ hồng kê chiếc bàn với đôi chén, 2 chai rượu, 2 chậu nước lã với 2 chiếc chổi rơm (làm phép).
 
 Sau khi vượt được chặng đầu tiên, đoàn nhà trai lại trải qua lễ giữ. Muốn qua, đoàn nhà trai lại phải hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường, cứ hát đối đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà. Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đến đánh dấu từng người nhà trai bằng cách bôi phẩm đỏ vào lên má.
 
 Trong mâm cỗ, mọi người chúc mừng cô dâu, chú rể bằng những chén rượu say nồng cùng những làn điệu đối đáp thắm đượm nghĩa tình. Cuối bữa tiệc, nhà gái sắp một mâm dài mời ông bà, bố mẹ, họ hàng của người con gái đến ngồi bên ông mối nhà trai làm lễ xin dâu, hai họ lại dùng những câu hát để nhắc nhở dặn dò đôi trai gái.
 
 Người Giáy quan niệm làm dâu là một việc khó. Chính vì thế, các lời hát trong nghi thức trao dâu thực chất là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người đối với cô dâu. Những lời dạy bảo này sẽ giúp cô dâu ứng xử tốt hơn với họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể.
 
 Thủ tục xin dâu xong, cô dâu bước từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên, xong việc người chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa trao cho nhà trai, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần cõng đến tận nhà, ở xa phải đi ngựa.
 
 Về đến nhà trai, sau thủ tục chờ giờ bước qua cửa chính, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy, sau đó hai vợ chồng vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ. Bữa tiệc nhà trai diễn ra tương tự như nhà gái, họ cũng dùng câu hát để cảm ơn và nhắc nhở dặn dò con dâu, con rể sống bên nhau trọn đời hạnh phúc.
 
 Hát trao dâu trong đám cưới người Giáy là một phong tục đẹp, vẫn được duy trì đến ngày nay. Những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng. Đây cũng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Giáy.

Theo Dân tộc Việt