Mốc mới trong quan hệ hợp tác UNESCO và ASEAN

03:47 AM 18/12/2013 |   Lượt xem: 2069 |   In bài viết | 

Thỏa thuận này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Cộng đồng ASEAN cũng như quan hệ song phương giữa UNESCO với từng nước thành viên trong Cộng đồng.

Từ năm 2009, ASEAN và UNESCO đều nhận thấy việc cần thiết phải mở rộng quan hệ hợp tác từ thỏa thuận được ký từ năm 1998 bằng một khuôn khổ hợp tác mới. Mục đích là nhằm tập trung vào những lĩnh vực hợp tác cần được ưu tiên để phù hợp với tình hình và nâng cao hiệu quả của các hoạt động phối hợp giữa hai tổ chức. Tại kỳ họp lần thứ 37, Đại hội đồng UNESCO cũng đã thông qua dự thảo thỏa thuận hợp tác này.


Theo thỏa thuận vừa được ký kết trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng Thư ký ASEAN tới trụ sở UNESCO kể từ năm 1993, hai bên sẽ dành ưu tiên hợp tác trong bẩy lĩnh vực: giáo dục, sáng tạo khoa học và kỹ thuật, giảm thiểu tác động của thiên tai, bảo đảm sự bền vững về môi trường, tăng cường vai trò và sự tham gia của thanh niên vào cộng đồng, bảo tồn di sản văn hóa và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận thông tin và tri thức.


Tổng Giám đốc UNESCO và Tổng Thư ký ASEAN đều cho rằng việc ký kết này đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng đa dạng, đoàn kết, một xã hội có tinh thần quan tâm và chia sẻ để giảm khoảng cách phát triển và xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và hòa bình.


Đánh giá về ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và UNESCO, bà Bokova nói: “Tôi cho rằng ASEAN và UNESCO có nhiều giá trị và nguyên tắc tương đồng cùng hướng tới những mục tiêu chung. Đó là bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa, coi giáo dục là nền tảng để xây dựng xã hội phồn vinh và vững bền, tăng khả năng đối phó và giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu”.


Trước tình hình thế giới ngày càng phức tạp, bà Bokova cho rằng thỏa thuận hợp tác mới giữa ASEAN và UNESCO khẳng định một thực tế là thế giới cần phải cùng nhau hành động và tăng cường đối thoại vì đây là điều kiện để xây dựng hòa bình và an ninh.


Theo bà Bokova, việc ký kết này rất được mong đợi vì nó tạo động lực và cơ sở pháp lý cho cả UNESCO và ASEAN, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết và đầy sức sống, khuyến khích mọi người chia sẻ kinh nghiệm, rút ngắn khoảng cách phát triển và xây dựng một tương lai bền vững, hòa bình và thịnh vượng.


Phát biểu tại lễ ký, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định rằng thỏa thuận này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa UNESCO và ASEAN. Thông qua thỏa thuận này, các nước ASEAN có thể đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của UNESCO. Trong khi đó, UNESCO có nhiều kinh nghiệm giúp ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ, đồng thời phát triển các nguồn lực về con người, văn hóa cũng như thiên nhiên cho sự phát triển bền vững của khu vực.


Tham dự lễ ký còn có đại sứ các nước ASEAN tại Pháp. Bà Cristina G. Ortega, Đại sứ Philippines cho rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng diễn ra vào lúc các nước ASEAN đang khẩn trương hoàn tất mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.


“Việc hoàn tất thỏa thuận này không mấy đơn giản vì cần có sự thảo luận và đồng thuận giữa các nước ASEAN cũng như UNESCO. Có thể nói, các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đã góp phần tích cực vào công việc chung của UNESCO”, bà Cristina G. Ortega nói. Theo đại sứ Philippines, thỏa thuận hợp tác mới này sẽ tạo điều kiện để UNESCO và ASEAN góp phần xây dựng một thế giới hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác.
 

Khải Hoàn - Đình Tuấn (Nguồn: Báo Nhân dân)