Tái định cư và ước mơ an cư lạc nghiệp
03:22 AM 23/12/2013 | Lượt xem: 1530 In bài viết |Từ trung tâm xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La), đi thêm 10 ki lô mét, chúng tôi đã tới bản tái định cư Sơn Pha. Ghé quán tạp hóa đầu bản, gặp mấy thanh niên đang ngồi trà thuốc giữa buổi sáng, hỏi chuyện mấy thanh niên cho biết: “Ngô vừa hết vụ, mía chưa đến vụ, chúng tôi đang khổ vì không có việc gì để làm, những ngày tới chưa biết trông cậy vào đâu”…
Khao khát có đất để canh tác, hay quanh năm lo lắng
Năm 2007, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, 68 hộ dân người Thái trắng bản
Mứn A, xã Pha Khinh, Quỳnh Nhai đã về tái định cư tại bản Sơn Pha, xã Cò Nòi.
Với chính sách lúc bấy giờ, bà con được bố trí đất ở, đất sản xuất tại địa bàn
thuận lợi về giao thông, có nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… So với
nhiều bản tái định cư khác, có thể nói, Sơn Pha là một trong những bản tái định
cư nhận được nhiều sự quan tâm của tỉnh và Trung ương; là mô hình tương đối
thành công, được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến tham quan.
Thế nhưng, trở lại Sơn Pha vào những ngày đầu tháng 11/2013 - 7 năm sau khi bà
con chuyển về định cư tại đây, tôi nhận được nhiều cái thở dài ngao ngán. Trưởng
bản Lò Văn Hội bộc bạch: Người Thái chúng tôi rất chăm chỉ, nắm bắt khoa học kĩ
thuật nhanh… nhưng chúng tôi lại đang khổ vì thiếu đất canh tác. Nếu như với các
hộ định cư ở các bản xung quanh, mỗi hộ có tới 6 - 7 héc ta đất, chịu khó cầy
sâu cuốc bẫm, mỗi năm cũng có thể bỏ ra vài trăm triệu đồng. Nhưng ở Sơn Pha
theo chính sách di dân, hộ từ 2 - 4 người mới được 1 héc-ta; từ 5 người trở lên
được 1,2 héc-ta. Đất ít, làm để đủ ăn đã vất vả, nói chi đến làm giàu.
Chia sẻ của anh Hội cũng giống với tâm sự của nhiều bà con tôi có dịp tiếp xúc
tại Sơn Pha, trong đó có chị Đường Thị Mới. Chị Mới cho biết: “Ngày ở Quỳnh Nhai,
đất rộng mênh mông, cá dưới sông suối, củ quả trên nương, ngô lúa thả sức trồng…
nay về đây, đất canh tác ít; lương thực thực phẩm cái gì cũng phải đi mua. Lại
lo cho 2 đứa con học hành, nên quanh năm lo lắng”.
Hiện tại với 1 héc-ta đất được cấp, gia đình chị Mới sử dụng 0,5 héc ta trồng
ngô, 0,5 héc ta trồng sắn. Ngoài ra, vợ chồng chị còn có máy tẽ ngô để đi tẽ ngô
thuê. Hết vụ ngô, chị ở nhà bán hàng, anh đi chặt mía thuê… Là một trong số ít
những gia đình tháo vát, chịu khó ở Sơn Pha, nhưng trong câu chuyện với chúng
tôi về cuộc sống hiện tại, chị Mới cũng đầy âu lo.
Trên thực tế, để đảm bảo cuộc sống, rất nhiều hộ gia đình ở Sơn Pha đã chủ động
thuê đất của các hộ không sử dụng đến, các hộ ở các bản bên để sản xuất. Với giá
thuê là 10 triệu đồng/héc-ta/năm, gia đình nào chịu khó trồng mía, trừ chi phí
cũng bỏ ra được 40 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có đất
để thuê… Người nào không có điều kiện thuê đất, thì đi làm các công việc bẻ ngô,
chặt mía thuê. “Sợ nhất là không có đất, không có việc để làm trong những ngày
tiếp theo” - là lo lắng của đại đa số người đang ở tuổi lao động mà tôi đã tiếp
xúc ở Sơn Pha.
Mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Không ai muốn dời quê cũ, nhưng vì dự án di dân lớn nhất trong lịch sử xây dựng
Việt Nam mà người dân đành lòng rời quê hương, bản quán ra đi, với người dân bản
Sơn Pha cũng vậy. Chính sách chia đất tái định cư chỉ tính toán cho các nhân
khẩu có mặt tại thời điểm di dân, nên những đứa trẻ sinh ra sau đó không được
chia đất, không được hưởng gạo trợ cấp trong 3 năm đầu. Thực tế này đang khiến
những cặp vợ chồng trẻ hết sức khó khăn. Từ 68 hộ ban đầu, nay Sơn Pha đã có 74
hộ, với 46 đứa trẻ được sinh ra, nhưng đất sản xuất vẫn chỉ 86,7 héc-ta như ngày
mới đặt chân về bản. “Nếu như không thể hỗ trợ đất thêm, thì Nhà nước nên hỗ trợ
cho các hộ mới tách hộ, các hộ mới sinh để các hộ này có động lực vươn lên phát
triển sản xuất. Thực tế, nếu như năm 2012, Sơn Pha chỉ có 2 hộ nghèo, thì con số
này đã tăng lên 5 hộ năm 2013, trong đó, đều rơi vào các gia đình trẻ mới tách
hộ, đất sản xuất không có” - trưởng bản Lò Văn Hội khẳng định.
Trong rất nhiều nỗi bức xúc của người giữ vai trò trưởng bản, anh Lò Văn Hội đề
nghị: Các cơ quan chức năng hãy đi xem thực tế đất của bà con trên cốt 218 Thủy
điện Sơn La; hiện vẫn còn rất nhiều, nhưng chưa được đo, chưa được áp giá đền bù.
Đây là thiệt thòi cho bà con. Nếu diện tích đất đó được đo đạc và đền bù xứng
đáng, bà con sẽ có điều kiện để phát triển chăn nuôi, ổn định đời sống. Bên cạnh
đó, sớm thực hiện cấp sổ đỏ cho bà con trong bản. Bởi định cư đã 7 năm mà chưa
có sổ đỏ, nên nhiều bà con chưa thực sự an tâm.
Chia sẻ câu chuyện về những khó khăn của Sơn Pha, đồng chí công an viên dẫn
đường cho biết: Nếu so với nhiều bản tái định cư ở Sơn La, Sơn Pha vẫn còn quá
tốt. Còn rất nhiều bản tái định cư mà đường đến đó đã rất gập ghềnh nhà báo ạ...
Vậy là để đồng bào tái định cư thực sự “an cư lạc nghiệp” vẫn còn là cả một hành
trình dài với rất nhiều quyết tâm, sáng tạo của các cấp, các ngành.
Hoàng Mai (Nguồn: Báo Công thương)