Khó khăn trong xử lý xe máy “độ chế” ở các thôn đồng bào Mông

02:59 AM 24/12/2013 |   Lượt xem: 2378 |   In bài viết | 

Năm 2012, loại xe máy “độ chế” này mới chỉ xuất hiện một vài chiếc trên địa bàn các thôn người Mông, đến nay đã có gần 70 chiếc, nhiều nhất là thôn Cư Tê, thôn Ea Bar, thôn Ea Lang... Những chiếc xe này được lược bỏ hầu hết phần nhựa, chỉ còn lại khung xe; phần sườn xe độ dài thêm 30 cm; yên xe độ thành một khung sắt dài theo thân xe; phần sau lắp thêm 1 cặp phụt nhún; độ chế bình xăng; xi lanh “Đôn” lên trên 120 cc... Đa số những chiếc xe này đều là xe cũ, rất nhiều xe không có giấy tờ đăng ký.
 
Anh Nguyễn Văn Thảo, thợ sửa chữa xe máy ở thôn Ea Lang cho biết: “Những chiếc xe này do người dân đem xe cũ đến để nhờ “độ chế”. Mỗi chiếc từ 6 đến 8 triệu tiền công. Một số người không có xe cũ thì mua nguyên chiếc với giá từ 10 đến 12 triệu đồng”.
 
Dù biết đây là những chiếc xe “độ chế” không được phép lưu thông nhưng bà con người Mông vẫn sử dụng để chở sản phẩm sau thu hoạch. Anh Hồng Xuân Phu, nhà ở thôn Cư Tê cho biết: “Rẫy nhà mình ở xa, lại dốc. Mỗi lần thu hoạch lúa, bắp, sắn vận chuyển rất vất vả. Xe máy bình thường chỉ chở được có 2 bao. Vừa qua, mình đã mua chiếc xe máy cũ 3 triệu đồng, đem đến thợ độ chế hết 7 triệu tiền công. Xe này dài, rất mạnh, leo dốc tốt nên chở được 5, 6 bao bắp, lúa”. 
 
Thôn Ea Bar là thôn có nhiều xe máy “độ chế” nhất. Do địa hình đường nhiều dốc, nằm ở vùng sâu, địa bàn của thôn rộng, cảnh sát giao thông ít khi vào kiểm tra nên đã có rất nhiều người sử dụng loại xe này. Anh Ma Văn Dũng, Công an viên thôn Ea Bar cho biết: “Vì địa bàn của thôn nhiều đồi dốc, hơn nữa loại xe này tiện lợi nên rất nhiều người sử dụng để chở nông sản. Hiện nay cả thôn có gần 40 chiếc. Riêng khu vực cầu Ea Đốk có hơn 20 hộ dân thì gần như mỗi hộ có một xe máy loại này”.
 
Năm 2013, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Bông đã tịch thu một số xe máy “độ chế” của đồng bào Mông khi lưu thông trên đường. Tuy nhiên, việc quản lý và tịch thu xe “độ chế” ở các thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình ở các thôn này có xe không giấy tờ, xe không biển số hoặc xe “độ chế” nhưng ít khi lưu thông trên tỉnh lộ, quốc lộ mà họ chỉ dùng để đi nương rẫy hoặc lưu thông ở đường liên thôn. Anh Nguyễn Văn Kiên, Phó Trưởng Công an xã Cư Pui cho biết: “Số lượng xe máy trên địa bàn các thôn đồng bào Mông rất nhiều, bình quân mỗi hộ có một chiếc. Ngoài ra còn rất nhiều xe máy không có giấy tờ, không biển số. Gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện thêm rất nhiều xe độ chế. Việc thống kê số lượng các loại xe này gặp nhiều khó khăn vì nhiều gia đình không khai báo.
 
Để cấm việc “độ chế” và hạn chế lưu thông các loại xe này, trong thời gian tới UBND xã Cư Pui sẽ mời tất cả thợ sửa chữa xe máy trên địa bàn các thôn đồng bào Mông ký cam kết không “độ chế” xe máy. Đồng thời phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Krông Bông mở chuyên đề tuyên truyền, vận động bà con không lưu thông và giao nộp các loại xe này, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn xã”.

Tùng Lâm