Keo Lôm là xã nhiều khó khăn của huyện Điện Biên Đông. Chủ
nhân nơi đây hầu hết là bà con dân tộc Mông và Thái. "Ngày trước, điện, đường
chưa có, quanh năm mây mù bao phủ nên bà con ngoài thời gian đi nương rẫy, chỉ
uống rượu rồi... ngủ nên cứ đẻ sòn sòn, có gia đình sinh tới hơn chục người con.
Thế nên cứ nghèo mãi..." - anh Giàng A Tùng, bảo vậy khi đưa chúng tôi đi thăm
bản Chóp Ply.
Theo lời lão nông Giàng A Thếnh, dân bản Chóp Ply thì cái bản này bao năm nay
chỉ có 3 thứ "nổi tiếng" là gió lạnh sương mù, đẻ nhiều con và đói nghèo. Đẻ
nhiều con là niềm tự hào, lắm con trai thì tha hồ hãnh diện với hàng xóm và uy
tín trong họ tộc.
Anh Tùng kể: Những năm gần đây, sau nhiều đợt tuyên truyền, vận động, giải thích
của Đảng, Nhà nước, nhất là cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình, dân bản đã tìm
ra nguyên nhân số 1 dẫn đến sự đói nghèo của bản chính là đẻ nhiều. Thế là bản
đưa chính sách dân số vào làm một nội dung quan trọng trong hương ước của bản,
không chấp nhận tảo hôn, kết hôn cận huyết, đẻ nhiều con, không cho trẻ đi học...
Bên bể nước công cộng đầu bản, bắt gặp vợ chồng trẻ Giàng A Tú và Giàng Thị Mỷ
đang cùng nhau giặt quần áo, nhìn họ thật hạnh phúc. Tôi hỏi Tú: Các bạn yêu
nhau bao năm thì mới cưới? Tú cười, bảo: Lâu rồi đấy nhưng mình đợi đến nay đủ
tuổi mới cưới mà. Mình và vợ đã nhất trí chỉ đẻ 2 con thôi, để sức khoẻ còn làm
nương, nuôi con đi học và trẻ đẹp mãi nữa. Người Mông trong bản bây giờ không di
theo "lối mòn đẻ nhiều con" như trước đâu. Cán bộ bảo thế và bụng mình cũng nghĩ
như thế đấy.
Kiều Thiện (Nguồn: danviet.vn)