Chính sách đặc thù với vùng khó

09:54 AM 01/04/2014 |   Lượt xem: 2086 |   In bài viết | 

Từ năm 2011 đến nay, các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Người nghèo đã dễ dàng tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Ông có đánh giá gì về công tác này?

Trong bối cảnh kinh tế đất nước tăng trưởng chậm hơn mức dự kiến, thì việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đã giúp các chỉ tiêu an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, xã hội… tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng thêm. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60 - 70%, tập trung vào hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Nước sạch cho đồng bào vùng khó là một chỉ tiêu của chương trình xóa đói giảm nghèo. Viết Tôn

Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tình hình phát triển kinh tế không được như mức dự kiến ban đầu nên thu ngân sách các cấp gặp khó khăn, thu không đủ chi, nguồn vốn cân đối cho đầu tư phát triển không đáp ứng yêu cầu; riêng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững thì tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình trong giai đoạn 2011 - 2013 khoảng 12.948 tỷ đồng, đạt 45% tổng kinh phí được phê duyệt chủ yếu là ngân sách trung ương, vốn huy động khác rất thấp. Trong phiên chất vấn tại Hội trường ngày 20/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết gói tín dụng cho người nghèo là một điểm sáng trong bức tranh tín dụng, với tổng dư nợ là 180 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, gói tín dụng này là còn quá ít và vẫn chưa có cơ chế cho hộ cận nghèo và những hộ đã thoát nghèo bền vững tiếp cận vốn vay.

Theo phản ánh của một số cán bộ xã ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án dành cho các xã đặc biệt khó khăn có tình trạng chồng chéo. Vậy cần có cơ chế lồng ghép như thế nào để tăng hiệu quả của các chương trình hỗ trợ?

Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 chuyển trọng tâm điều hành chính sách từ “tăng trưởng nhanh và bền vững” sang thực hiện “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”. Theo tinh thần đó, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135 giai đoạn III được thực hiện chủ yếu tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, ưu tiên đầu tư đối với những vùng khó khăn, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nhằm góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, mục tiêu thiên niên kỷ; đồng thời gián tiếp góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị xã hội.

(Khu vực miền núi phía Bắc, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2,34 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 con số này là 2,52 lần; Khu vực Tây Nguyên năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 1,53 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 gấp 1,6 lần).

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có 16 chương trình mục tiêu quốc gia hướng đến các vùng nghèo, vùng khó khăn. Tổng các nguồn vốn xã hội dành cho các chương trình này trong giai đoạn 2005 - 2012 lên đến hơn 542.000 tỉ đồng. Trong điều kiện kinh tế chung còn khó khăn, con số này thực sự là một nỗ lực rất lớn của xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ chi hành chính, sự nghiệp hơn 64%, còn lại chi đầu tư phát triển chỉ đạt 36%.

Chi phí hành chính lớn như vậy là do các chính sách hỗ trợ người nghèo được thiết kế ở dạng trực tiếp là chủ yếu, từ y tế, giáo dục, đất đai, đến chính sách ưu đãi cho vay vốn, đào tạo việc làm... Điều đó đã tạo ra hệ quả là nhiều hộ không muốn ra khỏi danh sách nghèo. Bên cạnh đó, nhiều chính sách đầu tư các vùng nghèo, vùng khó khăn do nhiều bộ, ngành quản lý và chỉ đạo theo ngành dọc xuống các địa phương nên tỉnh khó khăn trong điều phối tổ chức thực hiện.

Do đó, với nguồn lực khá lớn nêu trên, chúng ta có thể tăng khả năng giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực xã hội, tiếp cận các dịch vụ như y tế, giáo dục, vốn vay hỗ trợ, …nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững nhanh hơn nếu có cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các hợp phần của chương trình 135 giai đoạn III về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn theo phương châm mọi nguồn lực được tập trung, tập trung đầu mối quản lý, tập trung đầu tư dứt điểm cho từng hộ nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cần có chính sách đặc thù giảm nghèo dành riêng cho đồng bào dân tộc ít người.

Việc đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc hiện nay còn nhiều bất cập, người học nghề không thể xin được việc làm vì các doanh nghiệp gần như vắng bóng tại các tỉnh miền núi. Vậy phải chăng các chính sách ưu đãi, đầu tư vào các tỉnh miền núi chưa đủ để thu hút doanh nghiệp?

Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Sóc Trăng, Cao Bằng, Hà Giang và một số địa phương khác trong cả nước vào quí III/2013 cho thấy: Các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào lao động, sản xuất và phát triển công nghiệp trên địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhất quán nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư để thu hút doanh nghiệp như chính sách ưu đãi về tài chính (miễn giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng vốn tín dụng), chính sách ưu đãi về đất đai (thời hạn giao đất, giá thuê đất), hỗ trợ đầu tư (xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao), ... Trong các chính sách nêu trên, thì các địa phương có kết cấu về hạ tầng thiết yếu thuận lợi như đường giao thông, cảng biển, cảng sông lớn và có nguồn lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao sẽ dễ dàng thu hút doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; vì vậy, địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số luôn gặp bất lợi về thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Do đó, nhằm khắc phục những bất cập về đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc như hiện nay, đưa đề án đào tạo nghề tiến sát hơn với thực tiễn. Tôi xin kiến nghị:

Về chính sách: đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 của Luật Dạy nghề với nội dung khẳng định rõ quan điểm của Nhà nước về phát triển dạy nghề: “Có chính sách phát triển dạy nghề và giải quyết việc làm ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và cho lao động là người dân tộc thiểu số”; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 ở các điều liên quan đến đối tượng, mục tiêu, mức kinh phí hỗ trợ của Đề án.

Công tác triển khai Đề án phải gắn với sản xuất, ổn định việc làm và bao tiêu sản phẩm cho người lao động nông thôn. Nghiêm túc quán triệt và thực hiện nguyên tắc địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, làm cơ sở để triển khai. Không tổ chức dạy và học khi không dự báo được nơi làm và mức thu nhập cho người lao động sau khi học nghề. Phát huy tốt vai trò các doanh nghiệp tham gia đào tạo và dạy nghề, gắn với thu hút và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ngoài ra, để Đề án đạt hiệu quả, thì công tác về nhân sự như cán bộ quản lý đào tạo nghề, giáo viên dạy nghề cơ hữu và trang thiết bị dạy nghề theo danh mục thiết bị dạy nghề của Tổng cục dạy nghề cũng phải được tính đến.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)