Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực
08:52 AM 31/03/2014 | Lượt xem: 1571 In bài viết |Phiên họp nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 nội dung lớn:
Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện
giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều
kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Chương
trình hành động); việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Đề
án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Dự thảo Chương trình hành động có các nội dung lớn, gồm: mục đích, những nhiệm
vụ chủ yếu và tổ chức thực hiện. Mục đích của dự thảo Chương trình hành động nêu
rõ: Xác định những nhiệm vụ chủ yếu để các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực
hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 29 nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
và hội nhập quốc tế. Chương trình hành động còn là căn cứ để các Bộ, ngành, địa
phương xây dựng kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo,
tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị
quyết 29.
Dự thảo Chương trình hành động đề ra các nhiệm vụ chủ yếu: Tổ chức truyên
truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban,
ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của
Nhà nước đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng
cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ
nhà giáo, cũng như cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương
trình giáo dục tất cả các bậc học, ngành học theo yêu cầu phát triển phẩm chất
và năng lực người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và
đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan theo yêu cầu phát
triển năng lực, phẩm chất người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo
hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; phát
triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo
dục và đào tạo; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính; tăng cường cơ sở vật chất,
huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát
triển giáo dục; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong
giáo dục, đào tạo...
Liên quan đến việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, dự
thảo Tờ trình đã đề xuất kết cấu và nội dung chính của dự thảo Quyết định thành
lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo gồm 4 điều: Thành lập Ủy ban
quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ủy
ban; Quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban; Quy định hiệu lực và trách
nhiệm thi hành.
Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm
2015 có 3 phần gồm: Mục tiêu Đề án; phạm vi và nhiệm vụ của Đề án; nội dung Đề
án. Trong phần 3 của Đề án đã xác định rõ các nội dung về định hướng đổi mới
chương trình, sách giáo khoa như: Quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách
của Đảng, Nhà nước về đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới chương trình, sách
giáo khoa nói riêng; cấu trúc, nội dung chương trình, sách giáo khoa phải đảm
bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đảm bảo tính chỉnh thể, linh
hoạt, thống nhất trong và giữa các cấp học; đổi mới phương pháp và hình thức tổ
chức giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đổi mới hình thức
và phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và
năng lực học sinh... Các giải pháp thực hiện Đề án gồm: Chuẩn bị điều kiện để
xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa; xây dựng chương trình, biên
soạn sách giáo khoa thử nghiệm; biên soạn tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học;
thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; tuyên truyền về đổi mới chương
trình và sách giáo khoa...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng hoan nghênh Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chuẩn bị các nội dung cho phiên họp; đề nghị Bộ
Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thảo luận, đóng góp của các thành viên
Hội đồng, cũng như các Bộ, ngành tại phiên họp để hoàn thiện 3 nội dung được
thảo luận tại phiên họp.
Về Chương trình hành động, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát,
tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện để Chính phủ ban hành Chương trình hành
động vào tháng 3/2014 trên tinh thần bám sát Nghị quyết của Trung ương từ quan
điểm, mục tiêu tới nhiệm vụ, giải pháp; đảm bảo giáo dục đào tạo thực sự là quốc
sách hàng đầu, thực sự được đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng
xã hội chủ nghĩa; bám sát nhiệm vụ cụ thể nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Trung
ương để hành động, trong đó hết sức quan tâm đến các giải pháp đồng bộ song phải
có trọng tâm, trọng điểm và phải có tính khả thi cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
cho biết thêm, Chương trình hành động là chương trình mở, trong quá trình thực
hiện, có những gì chưa rõ, thấy cần thiết sẽ tiếp tục được bổ sung.
Đối với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm
2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vấn đề này đã trình Quốc hội, đề nghị
Cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án tham gia cùng các Ủy ban của Quốc hội bổ sung,
hoàn thiện để Nghị quyết Quốc hội ban hành phù hợp với thực tiễn.
Về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng cho biết: Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về việc thành lập Ủy ban này
trong tháng 3/2014 với chức năng, nhiệm vụ chính mang tính tham mưu, giúp Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành, phối hợp kiểm tra, đôn
đốc... Đối với các ủy viên của Ủy ban, Thủ tướng đề nghị rà soát lại, đồng thời
thành lập theo hướng ít ủy viên, các ủy viên chủ yếu ở các cơ quan liên quan
chính. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến cụ thể về phương thức tổ chức
và hoạt động của Ủy ban.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng quốc gia tiếp tục làm tốt chức năng
tư vấn, mở rộng đối tượng là các chuyên gia, các nhà giáo dục, tập trung mạnh
vào hoạt động tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến./.
(Theo TTXVN)