Nơi neo đậu con chữ
Sín Chéng có địa hình tương đối bằng phẳng so với các xã khác của huyện Si Ma
Cai, là xã trọng điểm về sản xuất nông lâm nghiệp nhưng người ta vẫn gọi đây là
miền “đất khát” vì thường xuyên khô hạn, thiếu nước. Toàn xã có 9 thôn bản, dân
số 3.845 người.
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai 12 km về phía tây, cách trung tâm thành
phố Lào Cai 107 km về phía đông. Nằm ở trung tâm xã, trường THPT số 2 Si Ma Cai
là nơi “ươm mầm” ước mơ của 342 học sinh người dân tộc Mông. Thầy giáo Cao Xuân
Lâm cho biết, học sinh của nhà trường đa số là con em đồng bào dân tộc Mông có
hoàn cảnh khó khăn, cho nên việc các em xuống núi học chữ là một hành trình gian
nan. Các bản như Nà Cảng 2 xã Lử Thẩn, Phìn Chư 3 xã Nàn Sín, học sinh phải vượt
25-30 km đường đất để tới trường. Còn các bản gần thì trung bình cách trường từ
18-20 km. Đường xa, để đến được trường thì các em học sinh tại các bản của đồng
bào Mông phải vượt qua nhiều con suối, dốc đèo.
Thầy Cao Xuân Lâm cho biết, hiện nay trường có 342 học sinh nhưng có tới 132 học
sinh ở xa và ở lại khu bán trú của nhà trường. Trong những năm học gần đây, để
các em bớt đi khó khăn, sau giờ học nhà trường đã tổ chức nấu ăn tập trung cho
học sinh bán trú. Hoạt động này được duy trì đều đặn và đảm bảo chất lượng. Để
có thể nấu ăn cho học sinh các thầy cô trong trường đã phải chuẩn bị mọi mặt về
cơ sở vật chất như việc xây dựng nhà bếp để có chỗ nấu ăn cho các em, đến các
việc như phân công học sinh lấy nước, làm vệ sinh nhà bếp hằng ngày… Hằng ngày,
sau giờ học, những bữa cơm nóng hổi đã giúp các em xa nhà vơi đi nỗi nhớ nhà,
nhớ núi, yên tâm học tập.
"Ký túc xá dân lập" Vào những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước, thầy giáo muốn có học sinh thì phải đi gọi, thường gọi là "chiêu sinh". Khi mùa đông giá rét, thời điểm sản xuất làm ruộng, làm nương... học sinh rất ít, thậm chí có giáo viên mà không có học sinh. Học sinh ở cách xa trường cả chục cây số, để vào lớp đúng giờ, phải đốt đuốc, lội suối, vượt dốc đi bộ từ 4 - 5 giờ sáng. Việc bố trí giáo viên "cắm bản" chỉ dạy được đến lớp 2. Vì vậy học sinh muốn học tiếp lớp trên thì phải về xã để học, đó là loại hình "Ký túc xá dân lập". Khi về học ở trường xã phải có nhà để ở, lương thực (gạo, ngô) để ăn. Thời điểm này cấp ủy, chính quyền các xã vận động mỗi hộ gia đình đóng góp giúp đỡ từ 5 - 10 kg thóc, ngô. Số lương thực đó mang về kho "Ký túc xá dân lập" giao cho nhà trường quản lý, để học sinh ăn hàng ngày. Để có nhà ở cho học sinh "Ký túc xá dân lập", các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ cùng các gia đình lên rừng lấy gỗ, tranh, tre, nứa làm nhà và làm giường nằm cho các em. Mỗi "Ký túc xá dân lập" có từ 10 - 20 em. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng cao và thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, nên cơ sở vật chất phục vụ học tập, ăn nghỉ được cải thiện. Vậy là "Ký túc xá dân lập" của thế kỷ trước theo thời gian dần phát triển và trở thành loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú như hiện nay. Ông Bùi Minh Tuyên, nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tủa Chùa (Điện Biên) Giải quyết được những khó khăn cho học sinh Loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú thực sự đã giải quyết được những khó khăn cho học sinh ở các thôn, bản xa trường để có điều kiện theo học lên lớp trên, cấp trên. Với giáo dục vùng cao, muốn nâng cao chất lượng, thì trước hết phải đảm bảo duy trì được số lượng. Từ đó học sinh mới tiếp thu đầy đủ kiến thức. Mặt khác, khi về học bán trú nơi ăn chốn nghỉ và học tập chu đáo hơn, đồng thời có điều kiện giúp các em thường xuyên giao tiếp tiếng Việt và hình thành nền nếp trong lao động, sinh hoạt và các hoạt động tập thể.
Ông Hầu A Dia, Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp, Đi học bán trú vui hơn ở nhà Ở bản chỉ học đến lớp 2, từ bản Nà Áng về trường phải đi bộ vượt dốc gần ba tiếng đồng hồ. Nếu ngày nào cũng đi như vậy thì không thể đi được. Vì vậy gia đình đồng ý cho em cùng các bạn trong bản về học bán trú tại trường. Được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam giúp đỡ xây nhà cho chúng em ở, cùng giường, chiếu. Chúng em được Nhà nước cho tiền ăn hàng ngày. Các thầy giáo cô giáo cùng nhau chăm sóc chúng em học tập cùng các hoạt động lao động, văn thể. Bây giờ về trường học bán trú vui hơn ở nhà... Em Thào Thị Mỷ, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Báng 2, huyện Tủa Chùa (Điện Biên).
|
Để công việc tổ chức ăn uống và sinh hoạt tại khu bán trú
được khoa học và hiệu quả, trường THPT số 2 Si Ma Cai đã phân công các thầy cô
giáo chia cơm, quản lý các em hằng ngày. Các giáo viên nhà trường cũng thay nhau
quản lý khu bán trú, hướng dẫn các em ăn ở vệ sinh, đoàn kết. Nhà trường đã bố
trí một phòng dành cho các em bán trú xem ti vi và tự học, sinh hoạt văn nghệ
vào buổi tối.Nhà trường còn tổ chức cho học sinh khu bán trú nuôi gần chục con
lợn để mổ lấy thịt cải thiện cho những bữa ăn, trồng rau xanh xung quanh trường
để lấy rau sạch ăn hằng ngày. Việc làm đó đã giúp các em học sinh thêm yêu lao
động và biết làm những công việc nhà.
Theo thầy Hiệu trưởng, mô hình bán trú đã tạo động lực cho học sinh yên tâm đến
trường học chữ. Nhiều em cho biết, nếu không có nhà bán trú và không được ăn ở,
có lẽ em đã bỏ học vì nhà quá xa trường, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn. Còn
phụ huynh thì vui và rất ủng hộ mô hình này của nhà trường. Với họ, con em mình
được ở nơi khang trang, được ăn uống đầy đủ thì không có gì yên tâm hơn. Theo
thầy Cao Xuân Lâm, việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú đã mang lại nhiều
lợi ích thiết thực: Các em học sinh có nhiều thời gian để học tập hơn, góp phần
rèn luyện khả năng thích ứng, tính kỷ luật, thời gian ăn cơm chung cùng các bạn
cũng là lúc các em có thể giao lưu học hỏi từ bạn mình nhiều điều bổ ích, đồng
thời cũng tạo cho các em có ý thức trong các hoạt động tập thể, phát huy tinh
thần đoàn kết. Giáo viên thì hiểu rõ hoàn cảnh học sinh của mình hơn, hiểu được
tâm lí của các em, từ đó có những giải pháp phù hợp để giúp đỡ các em.
Khu nhà bán trú của trường THPT số 2 Si Ma Cai được xây khang trang trong khuôn
viên của nhà trường. Trong phòng ở của các em, giường tầng sắt được bố trí đủ
cho khoảng 5-6 em trong một phòng. Nền nhà được lát gạch sạch sẽ, thoáng mát.
Tại đây, nhà trường có quy định về nề nếp, giờ giấc để tất cả các em cùng nhau
thực hiện. Nhờ có mô hình bán trú, nên những năm gần đây, số học sinh ở xa bỏ
học đã giảm dần, tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập ngày càng được nâng lên
rõ rệt. Điều quan trọng là các em học sinh thấy yêu và gắn bó với trường lớp,
với thầy cô, thấy tự giác hơn trong học tập.
Mô hình gắn liền với những chính sách
Mô hình bán trú của thầy và trò trường THPT số 2 Si Ma Cai cùng với những chính
sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước như những “luồng gió ấm” đến với học trò vùng
cao Sín Chéng nói riêng và Lào Cai nói chung.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, khi những chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó
được áp dụng đồng nghĩa với việc, các em sẽ vơi bớt nỗi lo cơm áo, yên tâm cắp
sách tới trường. Cụ thể là, theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của
Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu,
sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm
học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015 và nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ
sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, nhà trường có 122 học sinh được
miễn học phí, 80 học sinh được giảm học phí và 122 học sinh được hỗ trợ chi phí
học tập. Theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính
phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh Trung học phổ thông ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường THPT số 2 Si Ma Cai có 265 học sinh
thuộc diện được hưởng chính sách.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng (Nguồn: baotintuc.vn)