Ngay từ nhỏ, Ama Kim đã có một niềm đam mê đặc biệt với các loại nhạc cụ của dân
tộc mình. Dưới sự hướng dẫn của cố nghệ nhân Y Kril, Y Mip đã diễn tấu thành
thạo từ cồng, chiêng cho tới đing năm, đing tặc tà, đing puốt…
Đến năm 30 tuổi, Ama Kim đã được công nhận nghệ nhân giỏi trong việc biểu diễn
và chế tác các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Ông từng đoạt các danh hiệu, giải
thưởng lớn như: Nghệ nhân xuất sắc trong liên hoan văn hóa nghệ thuật Tây
Nguyên; Huy chương Vàng tại Liên hoan Văn hoá cồng chiêng toàn quốc; Huy chương
Vàng các tiết mục hoà tấu nhạc cụ đing năm, tù và, đing puốt, đing tặc tà...
“Hồi còn trẻ, tôi mang nhạc cụ đi biểu diễn khắp nơi, không chỉ trong nước mà
còn qua cả Lào, Campuchia, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Italia…”- Ama Kim nhớ lại.
Cùng với bộ sưu tập về giải thưởng, Ama Kim còn có một bộ sưu tập nhạc cụ rất
đồ sộ. Ngoài những nhạc cụ phổ biến của đồng bào Ê Đê sưu tầm còn có nhiều nhạc
cụ do chính tay Ama Kim làm ra. Chúng đôi khi chỉ là một cái nắp thùng phuy, hay
những ống tre, trúc… nhưng với đôi tay của ông chúng đều phát ra những âm thanh
kỳ diệu. Ông bảo, đó là tài sản quý giá nhất của đời mình nhưng đã sắp về với
Yàng mà người kế tục tìm mãi không ra. “Nhà mình con trai, con gái đủ cả, thế
nhưng không đứa nào đam mê nhạc cụ. Chúng còn phải lo bươn chải kiếm sống”.
Ngay cả những học trò của mình, Ama Kim cũng không thể tìm được một người nào
có đủ niềm đam mê. “Chúng chỉ học cho vui chứ chẳng đứa nào có đủ tình yêu, niềm
đam mê thực sự với văn hóa dân tộc mình. Có lẽ già phải mang theo những thứ này
xuống đất”- ông nói.
Tiến Thịnh (Nguồn: danviet.vn)