Du lịch vùng Tây Bắc: Đẩy mạnh liên kết để phát triển
06:32 AM 07/05/2014 | Lượt xem: 1965 In bài viết |Sáng ngày 6/5 tại TP. Điện Biên Phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ
Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội
nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Đoàn ngoại giao.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ
đạo Tây Bắc; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành
khu vực Tây Bắc, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tham dự.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chung nhận định vùng Tây Bắc được xem là vùng đất
giàu tiềm năng, phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng đến nay vẫn
chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, liên kết để
phát triển du lịch vùng Tây Bắc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng cũng
như hướng phát triển du lịch vùng Tây Bắc là phải tìm được giải pháp phù hợp,
tạo đột phá từ chính sách vĩ mô cho đến các chương trình hành động cụ thể của
từng địa phương.
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên nhân
những hạn chế của du lịch vùng là điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, hoạt
động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, sản
phẩm đơn sơ, rời rạc, chất lượng thấp, chưa hấp dẫn, nhân lực du lịch thiếu
chuyên nghiệp và hiệu quả kinh doanh du lịch còn khiêm tốn. Nút thắt của vấn đề
chính là ở chỗ các tỉnh chưa huy động được nguồn lực và khuyến khích sáng tạo để
đầu tư, liên kết khai thác phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.
Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong quá trình phát
triển, cần có quan điểm phù hợp với đặc điểm, tính chất và điều kiện đặc thù của
vùng. Các chương trình hành động cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa phát triển
với bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc. Sản phẩm du lịch Tây Bắc phải chứa đựng
sâu sắc những giá trị văn hoá các dân tộc bản địa, phát triển du lịch xanh. Phát
triển du lịch để tạo việc làm và góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, cải
thiện đời sống thiết thực cho đồng bào các dân tộc trong vùng.
Nhiều đại biểu cho rằng, để tiếp sức cho du lịch Tây Bắc có đà phát triển, đây
là thời điểm thích hợp nhất để mở ra cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư vào du
lịch Tây Bắc, cơ hội liên kết giữa các doanh nghiệp trong vùng với các vùng
trọng điểm kinh tế cả nước và quốc tế. Tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch
còn nguyên sơ đang hứa hẹn sức bật tăng trưởng đột phá cho du lịch Tây Bắc trong
thời gian tới.
Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ
Thế Bình đề nghị cần có cơ chế điều phối liên kết phát triển du lịch của vùng
chứ không để mỗi tỉnh tự do phát triển theo ý mình mà không có định hướng chung
của cả vùng, cạnh tranh lẫn nhau, tránh phát triển trên diện rộng mà không có
trọng điểm tạo ra sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, xây dựng sản phẩm chủ đạo,
xây dựng thương hiệu, quản lý điểm đến tốt…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng, thế
mạnh của Tây Bắc được đánh giá rất cao, vì vậy cần đẩy mạnh liên kết phát triển
du lịch bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân; từng bước thu hẹp khoảng
cách về mức sống và trình độ của người dân mà du lịch là một thế mạnh được đặt
ra để góp phần tập trung giải quyết, qua đó, tập trung phát triển các khu du
lịch quốc gia trọng điểm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu đề xuất các chính sách về
phát triển hạ tầng giao thông, phát huy tối đa tiềm năng du lịch, đầu tư nhân
lực tốt, nâng cao chất lượng du lịch và kiểm soát điểm đến như giá cả dịch vụ,
đa dạng hoá sản phẩm du lịch, xúc tiến một số thương hiệu du lịch mạnh…
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành Trung ương chủ trì, phối hợp với các địa phương
trong vùng nghiên cứu, đề xuất các đề án phát triển du lịch cho vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm công tác xúc tiến du lịch.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan ngoại giao, các bộ, ngành, doanh nghiệp
quan tâm hơn nữa đến vùng Tây Bắc - chiến khu cách mạng còn nhiều gian khó này.
Mục tiêu phát triển du lịch vùng Tây Bắc: Đến năm 2015 sẽ đón 1,5 triệu lượt
khách quốc tế; 9 triệu lượt khách nội địa; có 1.250 cơ sở lưu trú; phấn đấu tổng
doanh thu du lịch đạt 11.000 tỷ đồng.
Đến năm 2020, vùng Tây Bắc sẽ đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế; 14 triệu lượt
khách nội địa; có 1.900 cơ sở lưu trú, 40.000 buồng lưu trú; tổng doanh thu du
lịch đạt 20.000 tỷ đồng.
(Theo Chinhphu.vn)