Không còn lo đói bụng
Với địa hình quanh năm sương mù bao phủ, chia cắt với nhiều núi cao, khe sâu,
dốc lớn, xã Háng Đồng được nhiều người gọi là “đường lên trời”. Thời tiết nơi
đây khắc nghiệt, khi chớm đông thì cái rét đã buốt đến tận xương tủy, còn mùa hè
thì oi bức, ngột ngạt. Trong điều kiện đó, để bám lớp, bám trường là cả một nỗ
lực không ngừng nghỉ của các thầy, cô giáo và học trò nơi này.
Em Mùa Thị Sông, học sinh lớp 8, ở thôn Háng Đồng C, theo học bán trú từ lớp 3,
kể: “Nhà em có 3 chị em, ngoài em còn một em trai học lớp 6, một em trai học lớp
3 cùng học bán trú tại đây. Nhiều hôm học đến giữa buổi, đói quá, mấy chị em
trốn học về nhà trọ bổ củi, nhóm bếp nấu cơm ăn”.
Hiệu trưởng Trường THCS Háng Đồng - thầy giáo Dương Duy Tấn cho biết: “Các em đi
học bán trú xa nhà khổ lắm. Đa số các em đều tự lập, từ sinh hoạt thường ngày
đến học tập. Các em đều tự lấy củi, vo gạo thổi cơm, rửa rau, rồi chia thành
từng nhóm, mỗi em 1 cái thìa quây quanh cái nồi con con. Bữa ăn đạm bạc chỉ có
cơm trắng với măng rừng ngâm ớt và muối trắng, bát canh rau rừng lõng bõng. Cá
biệt mới có bữa cơm có thêm con cá khô”...
Nhưng từ đầu năm học 2013-2014, chuyện học hành của các em đã thay đổi nhiều.
Huyện Bắc Yên đã tách trường tiểu học và trung học cơ sở ra riêng và di chuyển 8
phòng học của tiểu học sang địa điểm mới, dựng thêm được 2 nhà bán trú lắp ghép
với diện tích 160m2 và 1 nhà ăn dành cho khoảng hơn 300 học sinh cả 2 trường.
Huyện còn ký hợp đồng cho 4 cô cấp dưỡng để nấu ăn phục vụ các em bán trú tại
trường. Nhờ vào khoản tiền Nhà nước hỗ trợ hằng tháng cho học sinh khu vực đặc
biệt khó khăn là 460.000 đồng, cùng số gạo 15kg/tháng mới được cấp, các học sinh
bán trú đã có được bữa ăn no hơn và yên tâm học tập.
Tiếp sức học sinh bán trú
Những thay đổi tích cực về cơ sở vật chất ở Háng Đồng đã khuyến khích con em các
dân tộc thiểu số ở đây đi học đông hơn, không bỏ học giữa chừng. Nếu các năm học
trước chỉ có trên dưới 300 em học sinh thì năm học 2013-2014, số học sinh của
Trường Tiểu học Háng Đồng đã tăng lên 398.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có 42 trường phổ thông dân tộc bán trú, 228 trường
phổ thông có học sinh bán trú. Phần lớn các trường chưa có điều kiện về cơ sở
vật chất như nhà bếp, dụng cụ nấu ăn.
Để việc nấu ăn tập trung được triển khai rộng khắp tại các trường bán trú, cuối
năm 2013, HĐND tỉnh Sơn La đã có Nghị quyết số 61 về chính sách hỗ trợ tổ chức
nấu ăn tại các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn. Từ mô hình
điểm bếp ăn và nhà ở cho học sinh bán trú tại xã Háng Đồng, tỉnh đã nhân rộng ra
31 trường học của 8/11 huyện với trên 4.100 học sinh
Bà Lê Thị Loan- Trưởng phòng Giáo dục huyện Bắc Yên đánh giá: “Thành công lớn
nhất của mô hình nhà ở, bếp ăn bán trú cho học sinh vùng cao là các giáo viên
trong trường không còn phải đến từng nhà vận động học sinh ra lớp nữa.
Phụ huynh học sinh đều được tuyên truyền và họ rất yên tâm khi thấy con em được
nhà nước lo chu đáo chỗ ăn ở, học tập nên đều tự nguyện cho các em đi học. Tỷ lệ
học sinh bỏ học cũng giảm rõ rệt; từ đầu năm đến nay chưa có học sinh bỏ học.
Lê San (Nguồn: Danviet.vn)