Chính phủ trình phương án sửa Luật Hàng không
10:52 AM 21/05/2014 | Lượt xem: 2076 In bài viết |Chiều 20/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không 2006. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hàng không 2006.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (gọi tắt là Luật Hàng không 2006)
được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01/01/2007. Qua hơn 7 năm thực hiện Luật Hàng không 2006 cho thấy, hầu hết các
lĩnh vực trong hoạt động hàng không dân dụng đã được luật hoá, tạo cơ sở pháp
lý, chuẩn mực hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng
không dân dụng Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hàng không 2006 cũng đã phát sinh một số
hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Trong tổng số 202 Điều của Luật Hàng
không 2006, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 46 Điều, chiếm 22,8 % tổng số điều của
Luật.
Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không 2006, Ủy
ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung Luật hàng không dân
dụng lần này nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước,
nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách
hàng.
Để đạt được những mục tiêu trên, cần xác định rõ vai trò, yêu cầu phát triển
hàng không dân dụng trong thời gian tới, nhất là trong mối quan hệ với quá trình
tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và nâng
cao chất lượng dịch vụ hàng không dân dụng; xác định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm
của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước
về hoạt động hàng không dân dụng.
Cùng với đó, việc xây dựng, sử dụng sân bay, cảng hàng không cũng cần được
nghiên cứu, tổng kết, đánh giá rõ thực trạng, từ đó có biện pháp quy hoạch, đầu
tư xây dựng hệ thống sân bay phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và
bảo vệ đất nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh phân tán nguồn lực.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các
quy định trong văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định và phù hợp với thực
tiễn để quy định trong luật, nhất là về các quy trình, thủ tục nhằm đáp ứng yêu
cầu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tính khả thi để
công dân thực hiện quyền đã được Hiến pháp quy định.
Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng
cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực thanh tra hàng không; giá dịch vụ chuyên
ngành hàng không; việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện
bay siêu nhẹ; thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng; về Cảng vụ hàng không;
thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; bảo đảm hoạt động
bay; vấn đề sử dụng thương hiệu, nhượng hoặc nhận quyền kinh doanh vận chuyển
hàng không; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh; vấn đề bảo đảm an ninh hàng
không; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; v.v…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không 2006 là 1/16 dự án
luật đưa ra cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
PV (Nguồn: CPV)