Hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102: Đề xuất nâng mức hỗ trợ

10:55 AM 21/05/2014 |   Lượt xem: 2456 |   In bài viết | 

 Bước đầu phát huy hiệu quả
 
 Làm nông nghiệp là chủ yếu, nên gia đình anh Hờ A Lạnh (Mường Nhé, Điện Biên) chỉ trông vào cây lúa, cây ngô trên nương. Mỗi năm gia đình anh thiếu đói 3 - 4 tháng, cuộc sống bấp bênh. Vụ mùa vừa qua, gia đình anh được hỗ trợ giống ngô lai. 
 
 “Năm rồi chúng tôi trồng giống ngô LVN10 trên diện tích 2ha, cho năng suất đạt 3 tạ/kg ngô giống, vụ hè thu gia đình thu được khoảng 6 tấn ngô. Với mức giá 5.000 đồng/kg, tư thương đến tận nhà để thu mua, gia đình tôi thu nhập khoảng 30 triệu đồng” - anh Lạnh kể. Anh Lạnh chỉ là một trong hàng nghìn người dân được hỗ trợ giống ngô lai theo Quyết định 102. 
 
 Theo ông Lò Văn Hùng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, huyện có trên 74.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Nhận thấy việc trồng ngô lai cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên bà con đã mạnh dạn đề xuất với Phòng Dân tộc huyện cấp ngô giống thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ để đưa vào sản xuất. 
 
 Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 102, trong năm 2013, Mường Nhé hỗ trợ giống ngô lai LVN10 cho 7.253 hộ ở 16/16 xã của huyện với kinh phí trên 3,1 tỷ đồng. Ông Hùng khẳng định: “Đây là giống ngô cho năng suất cao. Với thành công trên, năm 2014 này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ trực tiếp giống ngô lai LVN10 cho bà con”. 
 
 Nâng lên mức 300.000 đồng/người/năm
 

 Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng giống, hiện vật, các hộ nghèo đã sử dụng tiền hỗ trợ để mua sắm những vật dụng cần thiết cho đời sống hoặc vật tư, dụng cụ lao động phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt tại một số tỉnh, các hộ nghèo đã cùng nhau góp vốn thành lập tổ sản xuất như ở Kiên Giang đã thành lập tổ trồng nấm rơm. 
 
 Tuy nhiên, theo ông Tạ Đức Huỳnh - Phó ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, định mức hỗ trợ như hiện nay là rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và không đủ lớn để tạo ra những tác động mong muốn như mục tiêu chính sách đề ra. Vì vậy, cần nâng mức hỗ trợ lên 300.000 đồng/người/năm. Đây cũng là kiến nghị của các địa phương trên cơ sở tổng hợp nhu cầu thực tế của các hộ nghèo.
 
 Còn ông Nguyễn Thanh Điền - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho hay: “Việc triển khai thực hiện Quyết định 102 về mặt thời gian chưa đồng bộ với các chính sách hỗ trợ khác, bởi nếu tổ chức thực hiện lồng ghép cùng với các chương trình có cùng nội dung hỗ trợ thì người thụ hưởng có nguồn kinh phí tập trung thực hiện việc trồng trọt, chăn nuôi; chính vì vậy việc sử dụng vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất của đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả chưa cao”. 

Lê San (Nguồn: danviet.vn)